Tiêu điểm

Bình Dương 'khát' cơ chế đặc thù để 'cất cánh'

(VNF) - Tỉnh Bình Dương mong muốn một số cơ chế đặc thù về vốn để kinh tế giai đoạn 2021-2025 cất cánh.

Bình Dương 'khát' cơ chế đặc thù để 'cất cánh'

Bình Dương cần cơ chế đặc thù để đột phá

Tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm nhanh nhất cả nước

Báo cáo của tình Bình Dương cho thấy, trong những năm qua, quy mô kinh tế của tỉnh liên tục gia tăng. Năm 2020, GRDP của tỉnh tăng gấp 26,1 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm giai đoạn 2005 - 2009 đạt 13,93%/năm, giai đoạn 2010 - 2015 đạt 8,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,1%/năm.

Năm 1997, Bình Dương chỉ chiếm tỷ trọng 1,25% GDP của cả nước, đến năm 2015 tăng lên 4,6% và đến năm 2020 tăng lên 4,9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của tỉnh là 7,02 triệu đồng/người (cao nhất cả nước), tăng bình quân 13,3%/năm.

Bình Dương đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách rõ rệt với công nghiệp chiếm 63,54% năm 2005 tăng lên 66,59%, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 8,37% xuống còn 3,17% và dịch vụ từ 28,08% xuống còn 22,32%.

Năm 2021, tuy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Bình Dương vẫn đạt và vượt 10/18 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021 của Tỉnh ủy; 08 chỉ tiêu chưa đạt nhưng có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 7,23% nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cả năm chỉ đạt 2,79%. GRDP bình quân đầu người đạt 153,6 triệu đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% (năm 2020 tăng 8,02%, kế hoạch năm 2021 tăng 9,2%).

Xuất, nhập khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31 tỷ 500 triệu USD (năm 2020 đạt 27 tỷ 443 triệu USD), tăng 13,5%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 600 triệu USD (năm 2020 đạt 21 tỷ 446 triệu USD), tăng 14,7%. Thặng dư thương mại đạt 6,8 tỷ USD. Tổng thu ngân sách ước đạt 61.200 tỷ đồng, đạt 104% dự toán HĐND tỉnh.

Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có mặt tại Bình Dương cũng đều bày tỏ quan điểm chung rằng sẽ chọn Bình Dương làm nơi đầu tư phát triển kinh doanh và gắn bó lâu dài. Ông Scott Ellyson, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập East West Manufacturing, người gắn bó với tỉnh Bình Dương cho biết: "Công ty chúng tôi có 2 nhà máy ở Bình Dương đang sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong thời gian tới, East West Manufacturing sẽ tiếp tục mở rộng 2 nhà máy nữa".

Cần cơ chế đặc thù để phát triển bền vững

Công thức “chỉ xin Trung ương cho cơ chế, phát huy nội lực” là bước tiến có ý nghĩa giúp Bình Dương tạo 2 yếu tố đột phá trong quá trình đổi mới kinh tế: thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Dành cho biết, nhờ tự tin phát huy nội lực năm 2022, trong số 34 chỉ tiêu được đề ra; đến nay đã có 13/34 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm; 04/34 chỉ tiêu đạt thấp (tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu, chi ngân sách nhà nước…); các chỉ tiêu còn lại đều duy trì mức tăng ổn định (đã đạt trên 50% kết hoạch, dự kiến hoàn thành kế hoạch vào cuối năm). 

Kinh tế từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý, tăng trưởng GRDP quý I ước tăng 5,3%, quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực, đóng góp chính vào mức tăng trưởng chung của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, để tiếp tục phát triển bền vững, Bình Dương cần được áp dụng “cơ chế đặc thù” như: được vay vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh.

Một số cơ chế “đặc thù” khác mà Bình Dương cũng kiến nghị như: cho phép địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn cải cách tiền lương chưa sử dụng đến để bổ sung thêm vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; cho tỉnh được huy động, vay vốn đầu tư từ các nguồn phù hợp vượt hạn mức bội chi ngân sách địa phương quy định đối với tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 với mức lãi suất ưu đãi để cung cấp vốn tín dụng cho các dự án.

“Bình Dương cần được áp dụng ‘cơ chế đặc thù’ và tăng cường thêm nguồn vốn đầu tư vào việc nâng cấp, mở rộng các hệ thống cơ sở hạ tầng… Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét ‘cơ chế đặc thù’ cho tỉnh khi trình Chính phủ đề án định hướng phát triển cho các địa phương vào tháng 9 sắp đến” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhất trí với kiến nghị của Bình Dương vào ngày 13/7/2022 khi làm việc với tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Tin mới lên