Bình ổn giá vàng: 'Bóp chỗ này, lồi chỗ kia'
(VNF) - TS Bùi Duy Tùng nhận định, chính sách bình ổn giá vàng miếng đã tạo ra hiện tượng “bóp chỗ này, lồi chỗ kia”, khiến giá vàng nhẫn tăng mạnh và có khả năng tiếp tục tăng, gây bất ổn cho thị trường.
Ngừng bán vàng miếng
Kể từ khi bắt đầu bán vàng bình ổn đến nay, khoảng cách về giá giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn liên tục được thu hẹp. Cá biệt, có thời điểm, giá vàng nhẫn còn vượt qua cả giá vàng miếng SJC – điều mà trước đây chưa từng diễn ra trên thị trường vàng.
Sau gần 3 tháng bán vàng bình ổn (kể từ ngày 3/6), NHNN đã có tới hơn 10 phiên điều chỉnh giá vàng miếng, giúp giá vàng dao động trong khoảng 75,5 – 81 triệu đồng/lượng. Song, khi giá vàng miếng bắt đầu bình ổn thì giá vàng nhẫn lại bắt đầu tăng phi mã.
Nếu như giá vàng SJC được 4 ngân hàng quốc doanh và công ty SJC giữ nguyên mức 81 triệu đồng/lượng trong gần 1 tuần qua thì giá vàng nhẫn lại tăng không ngừng. Trong phiên sáng 30/8, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh, chạm mốc 77,40 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 78,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng nhẫn. So với đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 15 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng ròng hơn 24%.
Không chỉ vậy, cũng giống như vàng miếng, vàng nhẫn đã trở thành mặt hàng khan hiếm khi nhiều đơn vị tạm dừng bán ra.
Theo khảo sát của VietnamFinance, nhiều đơn vị kinh doanh vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, PNJ hay DOJI đều trả lời “hết vàng nhẫn, chưa biết ngày có” khi khách hàng hỏi mua.
Thậm chí, nhân viên tại DOJI còn cho biết toàn bộ hệ thống cửa hàng trên toàn quốc của DOJI đều không còn vàng miếng lẫn vàng nhẫn. Đáng nói, tình trạng khan hiếm vàng nhẫn đã diễn ra từ khá lâu chứ không phải mới chỉ ngày một, ngày hai.
Vàng miếng SJC giá đã bình ổn nhưng vẫn khó mua, nay lại đến lượt vàng nhẫn rơi vào cảnh “có tiền cũng không mua được vàng”.
Những diễn biến trên thị trường vàng thời gian qua khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu rằng chính sách bình ổn giá vàng của NHNN đã thực sự ổn hay chưa?
Chính sách bình ổn giá vàng vẫn 'chưa ổn'
Trao đổi với VietnamFinance, TS Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT cho rằng các chính sách bình ổn giá vàng mà NHNN đưa ra trong thời gian qua, đặc biệt là bán vàng giá bình ổn qua hệ thống 4 ngân hàng quốc doanh và công ty SJC đã góp phần thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Thêm vào đó, tình trạng “vàng hóa” cũng đã được kiểm soát, cơ chế bán vàng hiện nay cũng đã giúp giảm bới “cơn sốt” vàng trong nước.
Song, TS Bùi Duy Tùng cũng nhìn nhận rằng chính sách bình ổn giá vàng của NHN vẫn còn tồn tại một số nhược điểm.
Đầu tiên, mạng lưới giao dịch vàng đã bị thu hẹp. “Việc NHNN chỉ định bán vàng qua bốn ngân hàng thương mại và SJC đã làm thu hẹp mạng lưới giao dịch vàng, khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận vàng, đặc biệt ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này làm giảm tính sôi động của thị trường và cản trở người dân có nhu cầu mua vàng”, ông nói.
Thứ hai, quá trình mua bán vàng trở nên phức tạp. Quy trình mua vàng hiện tại, yêu cầu phải đăng ký trực tuyến, chờ vài ngày để nhận vàng và giới hạn số lượng điểm bán, đã làm giảm sự linh hoạt và gây khó khăn cho người dân, khiến nhiều người cảm thấy nản lòng khi tham gia giao dịch vàng.
Các ngân hàng thương mại và SJC được phép bán vàng nhưng không mua lại cũng khiến nhiều người cảm thấy không an toàn khi đầu tư vào vàng. Việc không có nhiều lựa chọn để bán lại vàng đã khiến người dân ít quan tâm đến vàng như một kênh đầu tư.
Thứ ba, thị trường thiếu sự cân bằng cung cầu. Theo TS Bùi Duy Tùng, mặc dù NHNN đã thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá vàng nhưng việc kiểm soát quá chặt chẽ làm mất cân bằng cung cầu có thể dẫn đến những bất ổn trong dài hạn. Thực tế, thời gian qua, thị trường đã bắt đầu xuất hiện tình trạng “vàng hai giá” khi thị trường chợ đen và việc mua bán vàng không đúng quy định “sôi động” trở lại.
“Việc duy trì các biện pháp quản lý hành chính quá lâu có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực như hình thành thị trường chợ đen, xuất hiện vàng giả, vàng nhái, và lừa đảo trong mua bán vàng. Điều này có thể làm mất niềm tin của người dân vào thị trường vàng chính thức”, đại diện RMIT lên tiếng.
Thêm vào đó, các chính sách vẫn chưa xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC. Ông Tùng cho rằng, chính sách hiện tại vẫn giữ nguyên độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, điều này có thể dẫn đến sự chênh lệch giá không hợp lý và không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trên thị trường. Việc NHNN vẫn độc quyền nhập khẩu vàng cũng hạn chế nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá không đáng có.
Tóm lại, TS Bùi Duy Tùng nhận định, chính sách bình ổn giá vàng miếng đã tạo ra hiện tượng “bóp chỗ này, lồi chỗ kia”, khiến giá vàng nhẫn tăng mạnh và có khả năng tiếp tục tăng, gây bất ổn cho thị trường.
“Sự can thiệp mạnh mẽ của NHNN trong việc quản lý giá vàng miếng SJC có thể dẫn đến sự bóp méo thị trường vàng. Khi giá vàng miếng bị kìm giữ ở mức thấp so với giá vàng nhẫn có thể khuyến khích các hành vi đầu cơ hoặc chuyển dịch dòng tiền không mong muốn, gây ra sự bất ổn dài hạn cho thị trường”, ông Tùng nói.
Giá vàng tăng nhưng nguồn hàng cạn kiệt: Mua bán vắng lặng, DN gặp khó
- Giá vàng phá kỷ lục mới sau bài phát biểu lịch sử của Chủ tịch Fed 28/08/2024 03:00
- Ngân hàng lớn nhất Việt Nam dừng bán vàng giá bình ổn qua website 27/08/2024 10:00
- Kiểm soát mua bán vàng đẩy người dân tìm đến 'chợ đen' 09/08/2024 09:30
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.