Bộ Công Thương đang ‘kiểm tra tư cách’ 2 ứng viên HĐQT độc lập do ThaiBev đề cử

Thanh Long (TH) - 30/03/2018 14:09 (GMT+7)

(VNF) – Theo đại diện Bộ Công Thương, 3 ứng viên ThaiBev đề cử vào HĐQT Sabeco chỉ có 1 người được đại diện cho ThaiBev, còn lại 2 người phải là ứng viên HĐQT độc lập. Bộ đang "kiểm tra tư cách" của 2 ứng viên này.

VNF
Theo đại diện Bộ Công Thương, 3 ứng viên ThaiBev đề cử vào HĐQT Sabeco chỉ có 1 người được đại diện cho ThaiBev

Trao đổi với báo chí về vụ ThaiBev chưa được trực tiếp tham gia Hội đồng quản trị và điều hành Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định, ThaiBev sẽ có suất trong cổ đông nhưng theo quy định của Sabeco, trong số 7 thành viên HĐQT phải có 2 thành viên độc lập.

"Hiện phía ThaiBev đã có 1 thành viên chính thức tại Đại hội Cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 23/4 tới, còn 2 thành viên độc lập thì hiện Sabeco và Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang tiến hành kiểm tra tư cách xem 2 cổ đông đó có phải thành viên độc lập hay không, bởi 2 thành viên này không được phép liên quan đến các bên có nắm giữ phần vốn trong Sabeco hoặc các công ty liên quan. Nếu họ cử được đúng 2 thành viên độc lập thì Đại hội cổ đông bất thường của Sabeco sẽ quyết định", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Ông Hoài cũng khẳng định rằng Bộ không kéo dài mà đang tạo điều kiện cho đại diện của ThaiBev vào sớm, chứ theo luật doanh nghiệp thì phải 6 tháng ThaiBev mới được quyền tham gia vào HĐQT, tức là phải chờ đến đại hội đồng cổ đông thường niên (khoảng tháng 6/2018).

"Tuy nhiên, trong trường hợp này, do họ mua số cổ phần chi phối rất lớn và để đảm bảo sự ổn định, thống nhất liên tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh xáo trộn về tổ chức nên trên cơ sở đề nghị của phía đối tác thì Bộ cũng đã chủ động yêu cầu bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco tiến hành Đại hội Cổ đông bất thường sớm vào ngày 23/4 tới", Cục trưởng Trương Thanh Hoài thông tin.

Ông Hoài trần tình: "Thực ra Bộ Công Thương đã chuẩn bị việc này trước khi có chỉ đạo của Chính phủ nhưng mọi thứ đều cần có quy trình, chứ không phải chúng tôi chậm trễ.

Về lo ngại mất thương hiệu Việt, đại diện Bộ Công Thương cho hay, hiện Bộ đang nắm giữ 36% nên có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu, thay đổi điều lệ, định hướng sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp… theo Luật Doanh nghiệp. "Chính phủ đang giữ 36% là vì như vậy", ông Hoài nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác