Điều tra chống bán phá giá thép cán nóng HRC nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ
(VNF) - Bộ Công Thương cho biết, sẽ áp dụng các biện pháp điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Công hoà Ấn Độ và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Cụ thể, các dòng sản phẩm bị đưa vào diện điều tra là sản phẩm thép cán nóng hợp kim hoặc không hợp kim; chưa gia công quá mức cán nóng; độ dày từ 1,2mm đến 25,4mm; chiều rộng không quá 1.880 mm; đã tẩy gỉ hoặc không tẩy gỉ; không có lớp mạ hay tráng phủ; có phủ dầu hoặc không phủ dầu; hàm lượng carbon dưới 0,60% tính theo khối lượng.
Về thời điểm điều tra, thời kì điều tra để xác định hành vi bán phá giá sẽ được tiến hành từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024 và thời điểm để xác định thiệt hại tính từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2024.
Trước đó, Bộ Công Thương thông báo đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, vụ việc này đang tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng ngành thép.
Thực tế, thuế nhập khẩu luôn tác động “đối nghịch” giữa những doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại. Doanh nghiệp thương mại thường muốn giá rẻ để bán có lợi. Nếu áp thuế chống bán phá giá, giá sản phẩm bị nâng lên không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn toàn thể người tiêu dùng. Ngược lại, việc tăng thuế này lại có mục đích dài hạn là bảo về cho doanh nghiệp sản xuất và nền công nghiệp tự chủ. Do đó, việc điều chỉnh tăng hay giảm thuế sẽ không chỉ liên quan đến “túi tiền” của 2 nhóm doanh nghiệp này.
Vì điều này, thời gian qua, 2 nhóm doanh nghiệp này có nhiều tranh luận xoay quanh việc đệ trình hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá.
Theo đó, một bên cho rằng cần áp thuế để bảo hộ nền sản xuất trong nước, một bên cho rằng đề xuất áp thuế chỉ nhằm mục đích thống lĩnh thị trường, tối đa hóa lợi nhuận cho một tập đoàn.
Cụ thể, ở góc nhìn của 12 doanh nghiệp tôn mạ cho rằng chưa đủ điều kiện để áp thuế. Các doanh nghiệp này cho rằng trong bối cảnh nguồn cung HRC nội địa đang chỉ đáp ứng được 30%, hành động nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đạt được mục đích duy nhất là làm tăng giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam. Hơn thế còn gây lo ngại về nguy cơ bị trả đũa thương mại.
Chia sẻ với VietnamFinance, ông Vũ Văn Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen khẳng định rằng: Ngành sản xuất HRC Việt Nam hoàn toàn không bị thiệt hại vì sản lượng bán hàng và sản lượng sản xuất HRC của 2 doanh nghiệp nội có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 – 2023 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 13,55% và 12,97%. Gần nhất, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng bán hàng và sản lượng sản xuất HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục tăng lần lượt là 1% và 4% so với cùng kỳ năm 2023.
"Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất HRC đến đâu bán hết đến đó và luôn trong tình trạng không đủ HRC để bán cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam. Thậm chí dù giá HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh luôn cao hơn so với giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể cao hơn tới 90 USD/tấn thì chúng tôi vẫn bắt buộc phải mua HRC của Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh để đáp ứng các quy tắc xuất xứ khi sản xuất thành phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Mexico và các quốc gia yêu cầu nguyên liệu Việt Nam", ông Thanh nói.
Chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp đệ đơn lại cho rằng việc nhập khẩu HRC đang tác động tiêu cực tới thị trường trong nước và cần bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước tác động của làn sóng nhập khẩu bên ngoài.
Một chuyên gia thương mại quốc tế nói: Không thể bình luận tới tính đúng sai của sự việc bởi mỗi bên đều có lí lẽ của riêng mình nhưng ở góc độ pháp lý việc áp thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng khi xác định được đủ ba điều kiện: Hàng nhập khẩu bị bán phá giá; ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nói trên.
Lập luận bảo vệ nền sản xuất trong nước, tránh nguy cơ mất thị trường nội địa chính là lý do nhiều quốc gia cũng dựng các "hàng rào" kỹ thuật ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, việc áp thuế chống bán phá giá sau khi tiến hành điều tra sẽ chỉ được áp dụng khi xác định được đủ ba điều kiện đã nói ở trên.
Hai mặt của phòng vệ thương mại: Khi lợi ích đi cùng thách thức
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone