Bộ Giao thông Vận tải: Khó giảm phí giao thông!

Hồ Mai - 07/06/2016 15:49 (GMT+7)

(VNF) - Có hiện tượng người sử dụng phản ánh mức thu phí ở một số trạm cao, chưa phù hợp. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, lô trình tăng phí 'nếu không thực hiện sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro'.

Tại Hội nghị "Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý", Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, vừa qua cũng có một số ý kiến của người sử dụng phản ánh mức thu phí ở một số trạm cao, chưa phù hợp.

Để xảy ra hiện tượng trên là do khi lập dự án đầu tư chưa có quy định lượng hóa lợi ích mang lại của tuyến đường sau khi được nâng cấp so với mức phí người dân phải nộp nên người sử dụng chưa thấy rõ lợi ích mang lại so với chi phí bỏ ra.

Ngoài ra, hiện cũng chưa có một đánh giá về khả năng chi trả của người dân và tác động mức phí đến kinh tế vĩ mô. Do đó, cần có cơ quan, đơn vị độc lập với Bộ GTVT để tiến hành đánh giá hiệu quả đầu tư, sức chi trả của người dân và so sánh với chi phí thực phải trả so với những tiện lợi người dân được hưởng.

Riêng lộ trình tăng phí, hiện chỉ là dự kiến và sẽ được Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét quyết định chính thức phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, quy định này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng nếu mức phí và lộ trình tăng phí không được cấp có thẩm quyền chấp thuận như phương án ban đầu được duyệt và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ GTVT cũng cho biết thêm, hiện nhiều cơ quan cùng kiểm soát doanh thu của các trạm thu phí với quy trình chặt chẽ nhưng vẫn có thể có thất thoát. Để xử lý triệt để tồn tại này, đảm bảo minh bạch trong trong thu phí và giúp cơ quan chức năng kiểm soát doanh thu, Bộ GTVT đang triển khai việc thu phí tự động không dừng trên tất cả trạm thu phí của cả nước nhằm tạo sự minh bạch, thuận tiện cho việc kiểm soát doanh thu.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo thành lập các "Tổ đặc nhiệm", áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm tăng cường giám sát các trạm thu phí có phản ánh tiêu cực và ngẫu nhiên đối với đối với các trạm còn lại, đặc biệt là lưu trữ các số liệu hình ảnh về lượng xe, loại xe để đối chứng và có giải pháp nghiêm khắc xử lý các hành vi gian lận.

Hiện nay, có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó, Bộ GTVT quản lý 74 trạm thu phí (45 trạm đang thu phí, 29 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư). UBND các tỉnh quản lý 14 trạm; 13 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc trong đó, Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống (6 hệ thống đã thu phí, 6 hệ thống chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 1 hệ thống chưa thu.

Cùng chuyên mục
Tin khác