Xe

Bộ GTVT kiến nghị cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng được tham gia đăng kiểm

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô được tham gia hoạt động kiểm định xe ô tô.

Bộ GTVT kiến nghị cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng được tham gia đăng kiểm

Bộ GTVT kiến nghị cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng được tham gia đăng kiểm

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, nội dung của dự thảo nghị quyết trên cho phép áp dụng ngay một số quy định liên quan đến hoạt động đăng kiểm cho tới khi hoàn thành sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 (tới khi nghị định sửa đổi có hiệu lực).

Theo nội dung dự thảo, Chính phủ quyết nghị cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.

Cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP và quy chuẩn quốc gia về đơn vị đăng kiểm được hoạt động kiểm định xe ô tô. Đồng thời, cho phép sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực kiểm định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện kiểm định xe cơ giới dân sự.

Tiếp đó, cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị tạm đình chỉ hoạt động dưới 3 tháng được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, cho phép mỗi đơn vị đăng kiểm bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra; cho phép đăng kiểm viên đã bị thu hồi giấy chứng nhận (kể cả các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu) được đánh giá lại để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

Song song với đó, cho phép học viên thực tập đăng kiểm đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô (thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của nhà sản xuất hoặc nhập khẩu ô tô) được tính quy đổi sang thời gian thực tập.

Cụ thể, thời gian làm việc 36 tháng trở lên được tính tương đương 9 tháng thực tập đăng kiểm (chỉ phải thực tập thêm 3 tháng); thời gian làm việc từ 24 tháng đến dưới 36 tháng được tính 6 tháng thực tập; thời gian làm việc từ 12 tháng đến dưới 24 tháng được tính 3 tháng thực tập.

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết cũng bỏ giới hạn số lượng xe được phép kiểm định tối đa trong ngày, cho phép các trung tâm đăng kiểm được kiểm định và cấp chứng nhận trong ngày tùy thuộc vào năng lực và thời gian làm việc thực tế của đơn vị đăng kiểm.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất cho cơ sở bảo dưỡng chính hãng đăng kiểm ô tô. Theo ông, thứ nhất, vụ việc xảy ra ở hàng loạt các trung tâm đăng kiểm, nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại nhiều địa phương bị cơ quan công an điều tra, khởi tố về các vi phạm trong công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đặc biệt là ở khâu nhân sự (nhân viên đăng kiểm). Vì vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là thiếu cơ sở đăng kiểm gây ra sự búc xúc cho các chủ xe ô tô.

Thứ hai, các cơ sở bảo dưỡng, sữa chữa ô tô của nhà sản xuất ô tô trong nước được phân bố rộng, trải dài từ Bắc vào Nam, do đó rất thuận tiện cho các chủ xe khi đi đăng kiểm.

Thứ ba, nhân viên tại các cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật, nắm rõ tường tận về kết cấu của ô tô (biết được chỗ nào trên ô tô hay hỏng nhất) nên họ có thể đánh giá, kiểm định xe rất tốt và chúng ta có thể tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao này.

Xem thêm: Đăng kiểm ở Hà Nội: Nơi xếp hàng dài dưới đường, nơi vắng vẻ

Tin mới lên