Tài chính tiêu dùng

Bộ Tài chính: Lên kế hoạch thanh tra 6 DN bảo hiểm nhân thọ

(VNF) - Từ nay đến cuối năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch năm đã đề ra

Bộ Tài chính: Lên kế hoạch thanh tra 6 DN bảo hiểm nhân thọ

Đã thanh tra xong AIA, Dai-ichi, đang thanh tra Manulife và 1 doanh nghiệp.

Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn - Cục phó Quản lý Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính - cho biết đã hoàn thành thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm: AIA và Dai-ichi. Bộ Tài chính đang thanh tra Manulife và 1 doanh nghiệp khác. Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch.

Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã công bố là Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas, ông Tuấn cho biết đã có 2 phần kiến nghị: về chuyên môn và tài chính và về chuyên môn, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chấp hành. Với phần kiến nghị về tài chính, đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm đang phối hợp với cơ quan thuế thực hiện.

Tại kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo.

Các sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm; chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm. Nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.

Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định. Theo đó, số tiền doanh nghiệp phải bổ sung vào thu nhập chịu thuế gồm: Prudential bổ sung 700 tỷ đồng, Sun Life bổ sung hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife bổ sung 174 tỷ đồng.

Trước đó, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng còn nhiều sai phạm. Trong đó, khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới sai phạm nhiều nhất.

Các hành vi vi phạm điển hình như: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp.

Ngân hàng không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng máy tính bảng, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Tin mới lên