Công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Hết năm nay, các mạng xã hội lớn sẽ đều có chức năng xác thực'

(VNF) - Cơ bản, đến hết năm nay, các nền tảng mạng xã hội lớn sẽ đều có chức năng xác thực. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thể chế hóa việc này trong một nghị định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Hết năm nay, các mạng xã hội lớn sẽ đều có chức năng xác thực'

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại phiên chất vấn đối với các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông của Quốc hội chiều ngày 7/11.

Chính thống hóa các trang fanpage của các tổ chức, cơ quan

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An) đã có những đánh giá cao nỗ lực của ngành và đồng tình với Báo cáo số 510, nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Điều đặc biệt, vị đại biểu này rất tâm đắc với kết quả đột phá, rõ rệt trong công tác triển khai, làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như: Facebook, Google hay Tiktok. Yêu cầu họ tuân thủ pháp luật Việt Nam và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về cẩm nang nhận diện, xử lý thông tin giả cho người sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị có fanpage trên Facebook, đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, tương tác với người dân nhưng chưa được cấp tài khoản có tính chính thống.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị Bộ đề ra giải pháp định hướng và chính thống hoá các trang này nhằm đảm bảo an toàn, tránh rủi ro, mất kiểm soát điều hành trong khi hoạt động trang cũng như tính chịu trách nhiệm của các cái trang này đối với xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay rất nhiều tổ chức có trang trên mạng xã hội và mong muốn trang đó được xác thực nhằm truyền tải thông tin đến xã hội và thể hiện uy tín của trang.

Một số nền tảng mạng xã hội hiện nay đã có sẵn và hỗ trợ tính năng này. Có thể kể đến như Facebook với tính năng 'tích xanh'. Khi đã cung cấp đầy đủ thông tin, được xác thực là tổ chức đó, họ sẽ cấp 'tích xanh'. Tuy nhiên, chưa phải tất cả các mạng xã hội đã có chức năng xác thực như Facebook. Bởi vậy, Bộ đã làm việc với các mạng xã hội chưa có để phát triển chức năng này.

'Cơ bản đến hết năm nay, các mạng xã hội lớn sẽ có chức năng này và Bộ TT&TT sẽ thể chế hóa chức năng này trong một nghị định dự kiến ký vào quý IV/2023 về nội dung trên Internet', Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tỉ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam phủ 99,8% dân số

Đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đã đặt câu hỏi trực tiếp cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp hoàn thành mục tiêu phủ sóng triệt để tại các thôn, bản.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết, trả lời phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định sẽ chỉ đạo các nhà mạng có những giải pháp phù hợp hơn nữa nhưng tinh thần sẽ phủ sóng triệt để các thôn bản, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào là những nơi người dân thiệt thòi nhất; phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, hết năm 2023 có hoàn thành được mục tiêu này không? Giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu trên?

Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Lê An, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi có đại dịch COVID-19, để học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có Chương trình Sóng và máy tính cho em. Trên cơ sở đó, Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng và các Sở TT&TT tiến hành rà soát từng vùng lõm sóng để tiến hành phủ sóng. Đến nay đã có 2100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng.

'Tỉ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam hiện 99,8% xếp trên dân số. Trong khi các nước thu nhập trung binh cao tỷ lệ này là 99,4%', Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, hiện vẫn còn 420 điểm lõm sóng cần tiếp tục thực hiện phủ sóng. Thời gian tới Bộ sẽ sử dụng Quỹ Viễn thông công ích cho nhiệm vụ này và phấn đấu hoàn thành trước tháng 6/2024. Tuy nhiên, điều khó khăn là có đến 150 điểm lõm sóng chưa có điện nên Bộ TT&TT đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để đưa điện đến các vùng này, trong đó có tính đến phương án điện mặt trời.
 

Tin mới lên