Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Tắt sóng 2G, nhà mạng sẽ bù máy 3G, 4G cho bà con'

Tiểu An - 12/11/2024 11:20 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi tắt sóng 2G, các nhà mạng đã hỗ trợ hơn 200 nghìn máy 4G cho người dân một cách "rất nhẹ nhàng".

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng vào sáng 12/11, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) ghi nhận các nỗ lực của các cơ quan chức năng và nhà mạng trong việc bảo đảm không để người dân và khách hàng nào bị bỏ lại phía sau khi thực hiện việc tắt sóng 2G.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Kiều cũng chỉ ra rằng chất lượng viễn thông hiện nay vẫn còn hạn chế, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nơi vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ viễn thông.

Bà Kiều đã chất vấn Bộ trưởng về kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn để giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc tắt sóng 2G đặt ra 2 vấn đề cần giải quyết. Một trong số đó là câu hỏi: "Bà con đang sử dụng 2G, vậy ai sẽ cung cấp cho họ các thiết bị 3G, 4G, 5G mới?"

Bộ trưởng Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng "bù đắp" cho người dân bằng cách cung cấp các thiết bị công nghệ mới để thay thế các máy 2G đã ngừng hoạt động.

Ông Hùng cũng thông tin thêm, tại nhiều quốc gia, khi tỷ lệ người dùng 2G còn dưới 2%, họ sẽ quyết định tắt sóng 2G. Các nhà mạng sẽ phải hỗ trợ thiết bị mới cho những người sử dụng công nghệ cũ. Tại Việt Nam, sau 34 năm sử dụng công nghệ 2G, hiện nay chỉ còn khoảng 0,2% dân số sử dụng mạng 2G, tương đương hơn 200.000 thuê bao.

"Chính vì vậy, các nhà mạng sẽ thực hiện việc hỗ trợ thiết bị cho người dân một cách nhẹ nhàng", Bộ trưởng Hùng nói.

Tắt sóng 2G, nhà mạng bù 200.000 máy 4G cho bà con.

Về lo ngại công nghệ mới có phủ sóng rộng như công nghệ cũ hay không, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ 3G, 4G đã có khả năng phủ sóng tương đương 2G, nên việc tắt sóng 2G sẽ không ảnh hưởng đến người dân. Thêm vào đó, chính sách phủ sóng ở các điểm "lõm sóng" đang được triển khai tích cực, nên sẽ không phát sinh vấn đề nào.

Về vấn đề kiên cố hóa hạ tầng thông tin và truyền thông, Bộ trưởng cho biết, trước đây, do miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, Bộ TT&TT đã tập trung chỉ đạo kiên cố hóa hạ tầng tại khu vực này. Nhờ kinh nghiệm từ các năm qua, Bộ sẽ triển khai nhanh chóng việc kiên cố hóa hạ tầng thông tin ở miền Bắc, nhằm phòng tránh các tình huống thiên tai, bão lũ có thể xảy ra trong tương lai.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) đã nêu vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc khắc phục tình trạng thiếu sóng di động tại các thôn. Theo số liệu cập nhật đến tháng 9/2024, trong tổng số 761 thôn chưa có sóng di động, có đến 637 thôn đã có điện nhưng vẫn chưa được phủ sóng.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đối với các trạm viễn thông chưa có điện, Bộ sẽ áp dụng giải pháp vệ tinh để triển khai phủ sóng trong thời gian tới, dù tiến độ có thể không nhanh. Với những trạm không thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, ông khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông đang đôn đốc các nhà mạng thực hiện phủ sóng ở các vùng này.

Về các trạm thuộc Quỹ viễn thông công ích, Bộ trưởng cho biết việc triển khai phụ thuộc vào việc ban hành nghị định mới, và ông nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong việc ban hành nghị định này.

"Chậm trễ trong việc ban hành nghị định là trách nhiệm của Bộ trưởng, và tôi xin nhận trách nhiệm," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn.

Bộ trưởng cũng giải thích rằng mặc dù có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ trong việc ban hành nghị định, nhưng cuối cùng trách nhiệm vẫn thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng Hùng khẳng định: "Trong năm nay, nghị định sẽ được ban hành và tôi yêu cầu các nhà mạng phủ sóng toàn bộ những vùng lõm sóng vào tháng 6/2025."

Ông Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phủ sóng di động đối với cuộc sống người dân, vì trong thời đại số hiện nay, thiếu sóng di động có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày.

Cùng chuyên mục
Tin khác