Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ‘EVFTA là công cụ để ta lấy lại những gì đã mất’

Bội Thu - 08/05/2020 23:51 (GMT+7)

(VNF) – Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với thương mại quốc tế của nước ta, rằng đây là “công cụ quan trọng giúp ta lấy lại được sự chậm trễ, mất mát trong thời gian qua”.

VNF
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ‘EVFTA là công cụ để ta lấy lại những gì đã mất’

Trả lời báo giới trước thềm hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra hôm nay (9/5), ông Trần Tuấn Anh cho rằng đây là hội nghị rất quan trọng, là buổi gặp đầu tiên ở quy mô toàn quốc giữa Thủ tướng, Chính phủ và các doanh nghiệp kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.

“Đây là cơ hội tốt để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, làm rõ các vấn đề, nhất là việc tại điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, ông Tuấn Anh nói.

Theo ông Tuấn Anh, hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp là cơ hội để khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp đánh giá một cách đầy đủ, cụ thể về tác động của dịch Covid-19 cũng như các biện pháp chống dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, Chính phủ xác định cơ hội, mục tiêu mới, cùng doanh nghiệp khởi động lại các hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng là cơ hội để Chính phủ đánh giá lại các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, xem việc hỗ trợ đến đâu, còn vướng mắc gì, cần bổ sung thêm những nội dung nào khác.

Ngoài ra, hội nghị cũng là nơi Chính phủ lắng nghe các sáng kiến, đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp đồng thời đây cũng là dịp để các bộ ngành định vị lại nhiệm vụ của mình trong tổng thể kế hoạch chung của Chính phủ, nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp, tránh lãng phí nguồn lực.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay trong hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ khác đánh giá lại các vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết từng nhóm vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải.

Một trong những nội dung trọng tâm đó là câu chuyện khai thông thị trường. Theo ông Tuấn Anh, thị trường trong nước đã chứng tỏ sức mạnh và vai trò của mình như là một khu vực chống đỡ đại dịch Covid-19.

“Thực tế cho thấy có nhiều dư địa tiềm năng mà chúng ta còn cơ hội làm tốt hơn nữa với thị trường nội địa. Kinh nghiệm vừa qua là cần cơ chế chính sách và nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng hạ tầng thương mại, đặc biệt là các chợ đầu mối, trung tâm thương mại. Điều này không chỉ giúp luân chuyển hàng hóa tốt, tăng trưởng nội địa mà còn đảm bảo an sinh xã hội và kiểm soát CPI”, ông Tuấn Anh nói.

Đối với thị trường nước ngoài, ông Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò then chốt của thị trường này, vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là rất lớn (hơn 200% GDP). Thời gian qua, dù bị tác động xấu của đại dịch nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt 1,8% (tính chung 4 tháng).

“Chúng ta không thỏa mãn với kết quả này mà cần nhìn rõ các thách thức: cầu đang giảm, kinh tế các nước bạn đang suy thoái... Rõ ràng là ta đang phải đối mặt với thực tế là hiện tượng tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở phạm vi toàn cầu”, ông Tuấn Anh nói và cho biết với các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương đang duy trì bằng nhiều kênh quan trọng như xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tượng phân phối mới, hỗ trợ thương mại điện tử…

“Ta cũng đang thúc đẩy mạnh EVFTA. Theo lộ trình thì từ 1/7 năm nay, hiệp định sẽ có hiệu lực. Đây là công cụ quan trọng để giúp ta lấy lại được sự chậm trễ, mất mát trong thời gian qua trong thương mại quốc tế. Để làm được điều này, ta phải triển khai ngay 2 việc: một là xây dựng văn bản pháp luật để cụ thể hóa các cam kết, hai là làm việc với từng ngành hàng để lên kịch bản”.

Đối với các thị trường khác, ví dụ như Mỹ, ông Tuấn Anh nhấn mạnh các lãnh đạo Chính phủ đang dành nhiều tâm sức, ví như các cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hay giữa Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và người đồng cấp Pompeo.

“Tương tự như với thị trường châu Âu, chúng tôi xây dựng kịch bản cụ thể trong từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định nghĩa vụ của từng khu vực, từng cơ quan… Làm được điều này, ta sẽ khai thông được htij trường, đảm bảo sự bền vững trong tương lai của các ngành nghề”, ông Tuấn Anh cho biết.

Một nội dung khác cũng được Bộ trưởng Công Thương lưu ý là hội nghị hôm nay là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hành động hướng tới tái cơ cấu chiến lược phát triển của mình, không thụ động với gói hỗ trợ của Chính phủ.

“Ngoài hiệu quả các các gói hỗ trợ, doanh nghiệp cần phải nói rõ cho các cơ quan nhà nước biết kế hoạch của mình để Chính phủ biết và song hành”, ông Tuấn Anh gửi thông điệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác