Tiêu điểm

Bộ Tư pháp: Thông tư 06 của NHNN có nội dung trái pháp luật

(VNF) - Bộ Tư pháp vừa công bố kết luận kiểm tra đối với Thông tư 06 trong đó cho biết thông tư này có nội dung trái pháp luật.

Bộ Tư pháp: Thông tư 06 của NHNN có nội dung trái pháp luật

Cụ thể, ngày 27/12, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có kết luận kiểm tra Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/ΤΤ-ΝΗNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, kết luật nêu rõ tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) "phải có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay theo quy định của pháp luật, thoả thuận của các bên tại thoả thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".

Song pháp luật về biện pháp bảo đảm (theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP) chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong toả tại một TCTD để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay như quy định nêu trên của Thông tư 06.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, về thanh toán không dùng tiền mặt thì tài khoản thanh toán bị phong toả một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp:

Một là, khi không có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

Hai là, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong toả trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;

Ba là, khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

Như vậy, theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc NHNN quy định biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan.

Trước thực trạng nêu trên, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị NHNN khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật trên, đồng thời rà soát quá trình thực hiện Thông tư 06 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có).

Tiếp đó, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản theo quy định.

Đồng thời, thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận này theo quy định của Chính phủ.

Thông tư 06 trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành nhằm mục tiêu áp thêm các tiêu chuẩn về an toàn vốn song có những tiêu chuẩn vừa gây khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, trong khi lại chưa đảm bảo mục tiêu an toàn vốn. 

Nhưng thông tư này ngay từ khi được NHNN ban hành đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, phần lớn đến từ các hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản.

Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 06 bổ sung thêm một số nhu cầu cấp vốn không được cho vay khiến các doanh nghiệp càng khó khăn để tiếp cận nguồn vốn, giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Sau cuộc họp khẩn vào ngày 17/8/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trước khi Thông tư 06 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/9/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN vào ngày 23/8/2023 để ngưng hiệu lực thi hành Điều 8.8, 8.9 và 8.10 của Thông tư 39 (được bổ sung theo Điều 1.2 của Thông tư 06).

Nhiều người cho rằng Thông tư 06 hiện nay vẫn còn một số quy định vô lý, thiếu thực tế.

Cụ thể, khoản 5, Điều 26 quy định: "Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".

Hay khoản 2 Điều 22 yêu cầu các tổ chức tín dụng: "Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích".

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các quy định nêu trên chỉ "làm lợi" cho phía ngân hàng.

Chẳng hạn, đối với trường hợp cho vay để đặt cọc mua nhà ở hình thành trong tương lai, theo quy định của Thông tư 06 thì chủ đầu tư dự án (bên nhận đặt cọc) bị phong tỏa tiền đặt cọc, không được sử dụng số tiền mà người mua đặt cọc. Điều này quá bất hợp lý, không bảo đảm quyền sở hữu của chủ tài sản, trong đó có quyền sử dụng số tiền đặt cọc. Trong khi đó, việc các bên không thực hiện đúng thỏa thuận nghĩa vụ bảo đảm (nếu có) thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ luật Dân sự 2015. Do vậy, quy định tại Thông tư 06 là không phù hợp, thậm chí "trái" với các quy định có liên quan của bộ luật Dân sự.

HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ 2 quy định nêu trên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của bộ luật Dân sự 2015.
 

Tin mới lên