'Bóc tách' những thành tố tạo dựng nên lợi nhuận 10.000 tỷ đồng của MB

Minh Tâm - 23/01/2020 12:25 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù tăng đáng kể lượng trích lập dự phòng, cả về quy mô lẫn tỷ lệ, nhưng MB vẫn ghi nhận mức tăng lợi nhuận lên đến 29% trong năm 2019, đạt trên 10.000 tỷ đồng.

VNF
'Bóc tách' những thành tố hình thành nên lợi nhuận 10.000 tỷ đồng của MB

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, năm 2019, MB đạt lợi nhuận trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018.

Trong top 3 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, MB là ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất. Còn so với top 3 ngân hàng quốc doanh niêm yết, tăng trưởng lợi nhuận của MB cũng nhỉnh hơn, chỉ thua trường hợp đặc biệt VietinBank - vốn ghi nhận nền lợi nhuận thấp đột biến năm 2018.

Thống kê cho thấy 5 năm trở lại đây, lợi nhuận của MB đã tăng bình quân 27,7%/năm. Nếu xét 3 năm, mức tăng lên đến 41,3%/năm.

Giai đoạn 2019 - 2024, mục tiêu của MB là đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 20%/năm, nghĩa là sau 5 năm, quy mô lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng gấp khoảng 3 lần.

Đây đều là mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của các ngân hàng top trên.

Tín dụng tiếp tục là mảng kinh doanh chủ lực của MB khi ghi nhận thu nhập lãi thuần 17.999 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 23,4% so với năm 2018. Điểm khác so với hai năm trước đó là việc thu nhập lãi tăng chậm hơn chi phí lãi, phần nào cho thấy áp lực nhất định liên quan đến việc huy động vốn, trong bối cảnh dư địa LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) còn ít.

Tuy nhiên, sang năm 2020, tình hình lại trở nên sáng hơn khi trần LDR đã được nới lên mức 85%, thay vì 80% như các năm trước.

Không chỉ tín dụng, các hoạt động phi tín dụng cũng ghi nhận đà tăng trưởng cao. Tổng lãi thuần phi tín dụng của MB đã tăng 34,4% trong năm 2019, đạt trên 6.650 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 27% trong tổng thu nhập hoạt động.

Tỷ trọng này đã tăng liên tục kể từ năm 2015, từ mức 16,6%.

Dịch vụ vẫn là mảng cốt lõi của hoạt động phi tín dụng khi đem về 3.185 tỷ đồng lãi thuần năm 2019, tăng 24,4% so với năm 2018 và chiếm gần một nửa lãi thuần phi tín dụng.

Kết thúc năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của MB đạt trên 24.650 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2018. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng vỏn vẹn 11,3%. Nhờ vậy, lợi nhuận thuần tăng tới 38,2%, đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Sau khi trừ dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 10.036 tỷ đồng, tăng trưởng 29,2%.

Cần lưu ý rằng, tỷ lệ dự phòng rủi ro trên lợi nhuận thuần năm 2019 lên đến gần 33% (cao hơn đáng kể mức 28,1% của năm 2018).

Tính toán của VietnamFinance cho thấy, năm 2019 là năm kỷ lục của MB trong việc xóa nợ xấu bằng dự phòng, cao hơn hẳn năm 2018 cũng như các năm trước đó.

Diễn biến này gợi mở hai hướng: hoặc là danh mục tài sản của MB đang thay đổi theo hướng rủi ro hơn (đi kèm với tỷ suất sinh lời tốt hơn) khiến ngân hàng này phải xử lý nhiều nợ xấu; hoặc là MB đang mạnh tay dọn dẹp nợ xấu trong năm 2019, cũng nghĩa là sẽ có dư địa giảm tỷ lệ trích lập dự phòng trong một vài năm tới.

Dù thế nào, MB vẫn giữ nguyên tắc an toàn. Nợ xấu chốt năm 2019 chỉ ở mức 1,16%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây bất chấp nay phải gánh thêm nợ xấu từ công ty tài chính MB Shinsei (thương hiệu Mcredit). Nếu chỉ tính ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu thậm chí dưới 1%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao: 110%.

Cùng chuyên mục
Tin khác