Một chuyên gia lĩnh vực điện cho rằng biểu giá bậc thang hiện nay có sự bù chéo giữa các hộ sử dụng nhiều và hộ sử dụng ít.
Cụ thể đối với bậc thang 1 và 2, giá chỉ bằng 90 và 93% giá điện bình quân, trong khi bậc 6 (từ 401kWh trở lên) gần bằng 145% so với giá điện bình quân. Giá điện bậc 6 cao như vậy nhằm để bù cho giá điện ở bậc 1 và 2 vốn đang được bán dưới giá bán lẻ bình quân.
Ví dụ, một hộ gia đình xài 200kWh/tháng theo giá bậc thang hiện nay sẽ trả 372.000 đồng (chưa VAT). Giả sử nếu chỉ một giá, tính theo giá bình quân 1.864,44 đồng/kWh, hộ này sẽ trả thêm 888 đồng, tức là 372.888 đồng. Trường hợp xài ít hơn, chỉ 100kWh, vẫn với cơ chế một giá, số tiền trả thêm là 15.844 đồng.
Tuy nhiên, nếu gia đình này xài tới 300kWh, tiền điện giảm được 66.000 đồng/hộ so với cơ chế giá 6 bậc thang.
Từ ví dụ này cho thấy nếu như xóa bù chéo theo cơ chế giá điện bậc thang hiện nay để chỉ duy nhất một giá điện, người dùng ít phải trả thêm tiền, trong khi người dùng nhiều sẽ lại trả ít hơn.
Ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng trên thế giới không có nhiều quốc gia áp dụng tính điện một giá. Vì thế ở Việt Nam "không thể dùng điện một giá, vì không khuyến khích tiết kiệm điện, cũng không hỗ trợ được cho người nghèo". "Giá điện bậc thang giúp tiết kiệm điện, nhất là giờ cao điểm" - ông Ngãi nói.
Tuy nhiên, ông Ngãi cho rằng cần điều chỉnh nâng bậc thang đầu tiên lên 100kWh thay vì chỉ 50kWh như hiện nay và có thể giãn khoảng cách ở các bậc khác.
Ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, nhận định cơ chế điện một giá chỉ có thể thực hiện được khi thị trường điện thực sự cạnh tranh. Trong điều kiện hiện nay, thị trường đó chưa hoàn chỉnh. Vì thế ngành điện vừa kêu gọi tiết kiệm điện, vừa thực hiện an sinh xã hội.
Tuy vậy, theo ông Lâm, vẫn cần điều chỉnh biểu giá điện lũy tiến theo hướng đơn giản hơn, phù hợp với nhu cầu dùng điện của người dân đã tăng cao. "Cần phải xem xét mức sử dụng điện hiện nay ở mức nào là lãng phí thì mới tăng thêm tiền điện để thực hiện đúng mục tiêu tiết kiệm điện, như vậy mới bớt lãng phí đi" - ông Lâm nói.
Phương án điện đồng giá từng bị phản đối Năm 2015, EVN từng xây dựng đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện hướng giảm sự bù chéo và thu hẹp khoảng cách giá điện giữa các bậc thang nhưng đã không nhận được sự đồng thuận, do dù có ưu điểm dễ áp dụng, rõ ràng nhưng nhược điểm là tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp, không khuyến khích tiết kiệm điện như biểu giá bậc thang. |