‘Bước chuyển’ của Techcombank và dấu ấn Nguyễn Lê Quốc Anh
Kình Dương -
25/09/2018 13:44 (GMT+7)
(VNF) – Trở về từ Hoa Kỳ năm 2015, ‘Việt kiều’ Nguyễn Lê Quốc Anh nhanh chóng để lại dấu ấn tại Techcombank, đặc biệt với thương vụ lên sàn lịch sử.
Chân dung ông Nguyễn Lê Quốc Anh
Sinh năm 1966, Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh là kỹ sư khoa học đến tận năm… 34 tuổi.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh làm Kỹ sư hạt nhân tại Công ty Pacific Gas and Electric Co, Hoa Kỳ từ năm 22 tuổi và rời công ty này sau 5 năm công tác. Năm 31 tuổi, ông làm Kỹ sư nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia ARGONNE, Hoa Kỳ.
Đây cũng là quãng thời gian mà ông Quốc Anh học, lấy bằng Thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế lượng tại Đại học bang California, East Bay (Hoa Kỳ) và Tiến sỹ chuyên ngành Kỹ sư Hạt nhân tại Đại học Purdue (Hoa Kỳ).
Tháng 9/2000, ông Quốc Anh bắt đầu chuyển hẳn sang lĩnh vực kinh doanh trên cương vị Tư vấn cao cấp, thuộc Phòng Công nghệ Kinh doanh – Công ty McKinsey & Company, Hoa Kỳ.
Chỉ một năm rưỡi sau, ông chuyển việc và trở thành Giám đốc Phòng Giao dịch Thị trường chứng khoán – Hệ thống Giao dịch tự động - Quỹ đầu tư – Công ty Đầu tư liên kết, Tập đoàn Fortress Investment, Hoa Kỳ.
Rời Fortress Investment từ năm 2005, ông công tác 1 năm tại Công ty Nissan North America – Nissan USA trên cương vị Chuyên gia Tư vấn Tài chính - Khối Kế hoạch và Chiến lược doanh nghiệp.
Tháng 11/2006, ông Nguyễn Lê Quốc Anh “bén duyên” với Wells Fargo, qua đó chính thức bước chân vào lĩnh vực ngân hàng. Quãng thời gian công tác 5 năm ở đây, đặc biệt trong bối cảnh ngân hàng này đối mặt và vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, hẳn là nền tảng quan trọng giúp ông “chèo lái” Techcombank sau này.
Cương vị cao nhất mà ông Nguyễn Lê Quốc Anh nắm giữ tại Ngân hàng Wells Fargo là Giám đốc Chiến lược và Phát triển Ngân hàng.
Từ tháng 6/2011 đến tháng 3/2015, ông là Giám đốc Chiến lược và Kế hoạch Đầu tư Tài chính - T-Mobile US. Tuy nhiên, từ tháng 11/2014 đến tháng 5/2015, ông đã là chuyên gia tư vấn của Techcombank.
Nhà quản trị quốc tịch Hoa Kỳ này chính thức làm lãnh đạo Techcombank từ tháng 5/2015 với cương vị Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển Ngân hàng. 10 tháng sau, ông làm Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành.
Sau 6 tháng “thử thách”, ông Nguyễn Lê Quốc Anh chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Techcombank từ tháng 9/2016.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc Techcombank từ tháng 9/2016
Dấu ấn tại Techcombank
Ngày 4/6/2018, Techcombank chính thức lên sàn HoSE với giá khởi điểm 128.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của ngân hàng này theo đó đạt trên 149.000 tỷ đồng, gần gấp rưỡi VietinBank và BIDV (thời điểm đó cùng ở mức khoảng 100.000 tỷ đồng).
Để có được mức giá trên, Techcombank đã thực hiện một phi vụ có bóng dáng 13 năm trước, điểm khác là lần này dưới thời ông Nguyễn Lê Quốc Anh, cách thức thực hiện còn ấn tượng hơn nhiều.
Tháng 8/2017, Techcombank hoàn tất mua lại toàn bộ 172 triệu cổ phiếu từ Ngân hàng HSBC với giá mua bình quân “gây sốc”: 23.445 đồng/cổ phiếu. Giới phân tích cho rằng HSBC lỗ nặng trong thương vụ này, tuy nhiên cả phía Techcombank và HSBC đều không đưa ra bình luận.
Sau khi mua lại với “giá rẻ”, Techcombank tiến hành bán lượng cổ phiếu quỹ này với giá rất cao cho các tổ chức nước ngoài, không lâu trước khi ngân hàng này lên sàn. Đợt 1 (tháng 3/2018) là 93,2 triệu cổ phiếu với giá bình quân 91.000 đồng/cổ phiếu. Đợt 2 (tháng 4 – 5/2018) là 64,4 triệu cổ phiếu với giá bình quân 128.000 đồng/cổ phiếu. Còn lại 14,7 triệu cổ phiếu quỹ được phân phối cho 150 cán bộ công nhân viên Techcombank.
Thương vụ “mua đi bán lại” này không chỉ giúp Techcombank tăng mạnh vốn chủ sở hữu nhờ thặng dư vốn, mà còn là cơ sở để ngân hàng này “neo” giá chào sàn HoSE ở mức 128.000 đồng – đúng bằng mức giá bình quân bán cổ phiếu quỹ đợt 2.
13 năm trước, dưới thời ông Nguyễn Đức Vinh, Techcombank từng thực hiện được phi vụ huy động vốn cực kỳ thành công khi thuyết phục được HSBC mua cổ phiếu Techcombank với giá 60.891 đồng/cổ phiếu (tương đương 26.000 đồng/cổ phiếu tính theo giá điều chỉnh đến ngày bán vốn) – một mức giá rất cao thời điểm đó.
Techcombank dưới thời ông Nguyễn Lê Quốc Anh còn gây ấn tượng bởi việc quay trở lại cho vay mảng bất động sản như là một trong những mảng cho vay trọng tâm. Tuy nhiên, cách làm khá đặc biệt.
Theo tiết lộ từ Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), Techcombank hiện đang khai thác lượng lớn khách hàng cá nhân mảng bất động sản thông qua 2 chuỗi giá trị gắn liền với Vietnam Airlines và Vingroup.
Trong khi các khách hàng từ hệ sinh thái Vietnam Airlines (thông qua thẻ ghi nợ, thẻ đồng thương hiệu…) có dư nợ cho vay mua nhà 6.500 tỷ đồng đến hết năm 2017, chiếm 15% tổng dư nợ cho vay mua nhà, thì hệ sinh thái Vingroup đem về cho Techcombank 11.000 khách hàng, với tỷ trọng 64% tổng dư nợ cho vay mua nhà.
“Các khoản vay liên quan đến bất động sản bản chất là ngân hàng chỉ giúp khách hàng là các công ty xây dựng làm được việc của họ, đó là cung cấp nhà cho người dân ở. Chúng tôi có phương án cho vay an toàn và phân tán rủi ro tốt nhất”, Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh nói về triết lý cho vay bất động sản của Techcombank.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, nguyên tắc kinh doanh của Techcombank là thực hiện chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, bao gồm từ đầu vào là nhà đầu tư, các công ty xây dựng (công ty thép, vật liệu…), các sàn bất động sản cho đến đầu cuối là người dân mua nhà để ở. Gom tất cả lại tạo thành một vòng chuỗi giá trị khép kín.
Việc cho vay nhiều phân đoạn không chỉ giúp Techcombank chẻ nhỏ món vay, tránh rủi ro tập trung mà còn làm giảm thời gian thu hồi vốn cho vay, qua đó cũng làm giảm rủi ro kỳ hạn. Tính đến hết ngày 30/6/2018, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank ở mức 2,04%, thấp hơn đáng kể ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.
Tiếp nối những “bước chuyển” ấn tượng trên, mục tiêu tiếp theo của ông Nguyễn Lê Quốc Anh trên chặng đường “chèo lái” Techcombank là chinh phục mức lợi nhuận 10.000 tỷ trong năm 2018. Hơn nửa con số trên (5.196 tỷ đồng) đã được Techcombank hiện thực hóa trong nửa đầu năm, phần nào cho thấy mục tiêu này là trong tầm tay.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.