Bước giật lùi của những 'ngôi sao' đại dịch

Thanh Tú - 30/09/2022 07:50 (GMT+7)

(VNF) - Loạt doanh nghiệp từng được ví như “ngôi sao” trong thời kỳ đại dịch khi ghi nhận doanh thu khủng và mức tăng trưởng bùng nổ hiện đang loay hoay với bài toán sinh tồn khi đại dịch qua đi.

VNF
Các sản phẩm của Peloton, công ty khởi nghiệp về ứng dụng công nghệ vào các loại máy tập thể dục tại nhà, được ưa chuộng trong đại dịch.

“Hốt bạc” trong đại dịch

Vốn được hưởng lợi nhờ những chính sách giãn cách trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, loạt doanh nghiệp như hãng sản xuất dụng cụ thể thao Peloton, nhà bán lẻ hàng gia dụng trực tuyến Wayfair, nền tảng họp trực tuyến Zoom, nền tảng phát video trực tuyến Netflix… đã gặt hái không ít thành quả.

Trong đó, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất có lẽ là Peloton, có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ. Doanh thu chính của hãng sản xuất dụng cụ thể thao này tới từ việc bán những chiếc xe đạp và máy chạy công nghệ kèm theo những loại giày dép, quần áo và dụng cụ được sử dụng trong việc tập luyện.

Bên cạnh đó, Peloton còn có phần mềm hướng dẫn tập luyện thể thao, giúp người dùng học được những động tác chính xác từ các giáo viên chất lượng cao mà không phải tới phòng tập. Đại dịch đã khiến nhiều người không thể hoặc không muốn đến phòng tập gym, vì vậy họ đổ xô đi mua thiết bị tập thể dục và đăng ký các lớp học trực tuyến của Peloton.

Năm 2020, Peloton đạt doanh thu lên tới 1,825 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2019. Trong đó doanh thu từ các thiết bị đạt 1,462 tỷ USD (chiếm 80%), còn lại là doanh thu tới từ việc thu phí thành viên. Tại thời điểm tháng 1/2021, giá trị thị trường của công ty đạt khoảng 50 tỷ USD.

Ghi nhận thành công không kém Peloton là Wayfair, công ty có thâm niên gần 20 năm trong lĩnh vực nội thất trực tuyến. Trong thời kỳ đại dịch, khi hàng triệu người phải làm việc ở nhà, hạn chế đi lại, họ đã phát sinh nhu cầu trang trí nhà cửa, mua sắm thêm nội thất.

Nhờ vào đại dịch mà Wayfair lần đầu tiên có lãi kể từ khi niêm yết cổ phiếu vào năm 2014. Công ty gặt hái được khoản doanh thu 14,8 tỷ USD trong năm kinh doanh 2020, trở thành công ty nội thất lớn thứ hai trên thế giới. Bên cạnh đó, Wayfair có thêm 5 triệu khách hàng mới.

Cổ phiếu của Wayfair đã tăng lên mức 482% từ cuối tháng 3/2020 đến cuối tháng 3/2021. Tính chung năm 2021, cổ phiếu của Wayfair đã tăng hơn 36%, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên hơn 32 tỷ USD.

Zoom Video Communications Inc, nhà cung cấp ứng dụng nhóm họp trực tuyến của Mỹ có trụ sở tại San Jose, California, có lẽ là “ngôi sao” sáng nhất trong thời kỳ đại dịch. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã biến Zoom trở thành một ứng dụng phổ biến do nhiều người buộc phải học tập và làm việc từ xa.

Trong những tháng đầu của đại dịch, nhu cầu sử dụng dịch vụ của Zoom tăng vọt, có thời điểm hãng này báo cáo 3 quý liên tiếp có mức tăng trưởng doanh thu trên 360%. Tính đến tháng 12/2020, Zoom có 470.000 khách hàng doanh nghiệp. Định giá của Zoom vượt quá 100 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch, tăng 383% so với tháng 1/2020.

Lợi nhuận quý I/2021 của Zoom đạt hơn 227 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức lợi nhuận 27 triệu USD tại thời điểm trước đó một năm. Tờ Wall Street Journal nhận định kết quả đạt được này nằm ngoài dự báo của cả Zoom cũng như của thị trường chứng khoán Phố Wall.

Nền tảng phát video trực tuyến Netflix cũng được xem là “con cưng” trong thời kỳ đại dịch. Dù phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, nền tảng này đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ chưa từng có trong các đợt phong tỏa do dịch bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Netflix đã có một năm 2019 thành công với loạt phim bom tấn, giúp doanh thu tăng 28%.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, Netflix đã có thêm 16 triệu người đăng ký và kết thúc năm với số lượng người đăng ký lần đầu tiên vượt qua con số 200 triệu. Giá cổ phiếu của công ty cũng đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020 lên mức kỷ lục 691,69 USD vào tháng 11/2021.

Lao dốc không phanh

Càng hưởng lợi từ đại dịch bao nhiêu thì khi đại dịch qua đi, các “ngôi sao” này lại phải đối mặt với nhiều thách thức bấy nhiêu. Đơn cử như Peloton, việc các phòng tập thể dục mở cửa trở lại đã khiến doanh số bán thiết bị và gói tập trực tuyến giảm xuống, nhu cầu đối với máy chạy bộ và xe đạp tập thể dục của công ty cũng “nguội” đi. Kể từ cuối năm 2020, cổ phiếu Peloton đã mất hơn 90% giá trị.

Ngày 25/8, báo cáo kết quả quý IV/2021 của Peloton ghi nhận khoản lỗ lớn hơn dự kiến, doanh thu giảm. Điều này buộc Peloton phải cắt giảm việc làm, đóng cửa các cửa hàng và tăng giá những sản phẩm thiết bị tập thể dục của mình. Hồi tháng 2, Peloton đã sa thải hơn 2.800 nhân viên trong bối cảnh hoạt động kinh doanh không mấy sáng sủa. Từ đó đến nay, công ty triển khai thêm hai vòng cắt giảm nhân sự quy mô lớn khiến tổng cộng hơn 4.150 nhân viên phải tìm công việc mới.

Tình hình của Wayfair cũng không khả quan hơn khi “cơn sốt” mua sắm đồ gia dụng qua đi, người tiêu dùng hiện đang chuyển sang mua các mặt hàng ưu tiên hơn, nhất là trong thời điểm giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, xăng dầu tăng chóng mặt, buộc các gia đình phải giảm chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu. Doanh thu của Wayfair trong nửa đầu năm nay giảm 14%. Công ty cũng báo lỗ ròng 697 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2021 báo lãi 149 triệu USD. Giá cổ phiếu của Wayfair, sau khi tăng 482% từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, hiện đã gần như quay lại mức ban đầu.

Mới đây, Wayfair cho biết công ty sẽ sa thải khoảng 870 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động của hãng. Chi phí để sa thải lượng nhân sự này (bao gồm lương, bù đắp phúc lợi…) vào khoảng 30 - 40 triệu USD.

Không chỉ các công ty bán lẻ, nền tảng họp trực tuyến Zoom cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Dù hiện tại hàng triệu người vẫn đang làm việc từ xa, ít nhất vài ngày một tuần và Zoom vẫn có lãi. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty trong nửa đầu năm nay đã giảm 71% do chi phí tăng.

Bên cạnh đó, khi mọi người quay trở lại môi trường làm việc bình thường, nền kinh tế suy yếu đi và sức nóng cạnh tranh ngày càng gay gắt từ phía Microsoft, Cisco và các nhà cung cấp khác, sức bật tăng trưởng của Zoom cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này khiến công ty buộc phải hạ kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2023.

Về Netflix, trong quý đầu tiên của năm nay, hãng này đã mất 200.000 người đăng ký trên toàn cầu, mức giảm đầu tiên trong một thập kỷ, trái ngược hoàn toàn với dự báo trước đó về việc tăng 2,5 triệu người đăng ký.

Không những thế, trong quý II/2022, số lượng người đăng ký đã giảm thêm gần 1 triệu người. Công ty còn dự báo việc giảm sút số người đăng ký có thể tiếp tục diễn ra trong tương lai. Thêm vào đó, Netflix còn đang đánh mất niềm tin của nhà đầu tư. Cổ phiếu của công ty hiện đã mất hơn 2/3 giá trị kể từ đầu năm, mặc dù nó đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 12 tháng vào tháng 5, khi các nhà đầu tư lo ngại số lượng đăng ký giảm mạnh hơn. Cuối tháng 5, Netflix cho biết đã sa thải khoảng 150 nhân sự. Đây là lần sa thải hàng loạt thứ 2 trong năm của công ty này.

Nếu đại dịch là đòn bẩy giúp Peloton, Wayfair, Zoom và Netflix tăng trưởng mạnh mẽ thì khi đại dịch kết thúc, không những đòn bẩy mất đi mà các công ty này còn bị mất đà và lún sâu vào khủng hoảng. Dù vậy, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để các “ngôi sao” lấy lại hào quang của mình.

Cùng chuyên mục
Tin khác