Bước lùi doanh thu của Đà Nẵng-Miền Trung, cơ nghiệp nghìn tỷ của ông Đặng Thanh Bình

Ái Châu Tử - 14/12/2021 09:11 (GMT+7)

(VNF) – Công ty Cổ phần Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung là doanh nghiệp có vai vế trên thị trường bất động sản – xây dựng Đà Nẵng. Tuy nhiên trong suốt giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu của công ty này lại liên tiếp đi lùi, mỗi năm hàng chục %.

VNF

"Đại gia" đất Đà Nẵng

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung được thành lập năm 2007, đóng trụ sở chính tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Công ty này được biết tới là đơn vị đi đầu tại thành phố cảng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) khi đầu tư 1.000 tỷ đồng với 200ha, bàn giao cho thành phố hơn 2.000 lô đất đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng để bố trí tái định cư và 210 căn hộ chung cư nhà ở xã hội.

Công ty cũng ghi dấu ấn với hàng loạt dự án quy mô như: khu đô thị Phước Lý, khu đô thị Yên Thế Bắc Sơn, khu dân cư Quang Thành 3B, khu dân cư  Bàu Mạc, khu dân cư Nam Bàu Mạc, cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng, khu đô thị Phong Nam.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy người đại diện theo pháp luật của Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung là chủ tịch HĐQT Đặng Thanh Bình. Ông Bình sinh năm 1963, thường trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Ông Bình cũng là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tuyệt đối với tỷ lệ 79%. 20% thuộc về một cổ đông cá nhân khác là bà Ngô Thị Yến Linh, sinh năm 1966. Bà Linh có chung địa chỉ thường trú với ông Bình.

Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung sở hữu “hệ sinh thái” gồm 4 công ty thành viên là: Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Đà Nẵng – Miền Trung (gọi tắt là DMT Cienco), Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng DMT – Cienco (đã chấm dứt hoạt động vào tháng 5/2021), Xí nghiệp chế biến vật liệu xây dựng DMT và Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Tín.

Trong số này, đáng chú ý hơn cả là DMT Cienco. Công ty này được thành lập năm 2006. Tới năm 2015, công ty ghi nhận hai đại diện theo pháp luật là bà Ngô Thị Yến Linh và bà Đặng Thị Lan Ngọc. Bà Ngọc sinh năm 1988, có chung địa chỉ thường trú với ông Bình, bà Linh, tức là người một nhà. Vào năm 2017, bà Ngọc được ghi nhận là chủ tịch HĐQT của DMT Cienco.

Ngoài ra, nữ doanh nhân sinh năm 1988 này cũng là giám đốc của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Song Cát, một doanh nghiệp được thành lập năm 2020, có trụ sở tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ngành nghề kinh doanh chính là khách sạn và có vốn điều lệ 6 tỷ đồng.

Ngoài các đơn vị thành viên nêu trên, Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung còn có một số công ty liên doanh, liên kết gồm: Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, Công ty Cổ phần Cấp nước Kontum, Công ty Cổ phần Cấp nước Vĩnh Long.

Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung làm ăn ra sao?

Giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung trồi sụt khá mạnh, từ 1.253 tỷ đồng sụt xuống 1.028 tỷ đồng rồi lại trồi lên 1.369 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn, tập trung tại các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho với tỷ trọng trong tổng tài sản lần lượt các năm là: 62%, 42% và 53%.

Đáng chú ý, công ty dành khá nhiều tài sản để đầu tư tài chính dài hạn với giá trị tăng đều đặn qua các năm: 290 tỷ đồng (2017), 385 tỷ đồng (2018) và 447 tỷ đồng (2019).

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung biến thiên khá mạnh, từ 747 tỷ đồng (2017) giảm sâu xuống 436 tỷ đồng (2018) rồi tăng lên 612 tỷ đồng (2019).

Trong cơ cấu nợ phải trả, điểm “lạ” là khoản “doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn” liên tục duy trì giá trị 298 tỷ đồng trong suốt giai đoạn nêu trên. Trong khi đó, công ty xuất hiện khoản nợ vay ngắn hạn trị giá 76 tỷ đồng vào năm 2019, còn khoản vay dài hạn đã được tất toán trong cùng năm.

Về vốn chủ, trong năm 2019, Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung đã tăng vốn điều lệ từ 255 tỷ đồng lên 265 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận tích lũy, vốn chủ sở hữu của công ty trở nên khá dày dặn, cao gấp 2 – 3 lần vốn điều lệ, lần lượt các năm 2017 – 2019 là: 506 tỷ đồng, 592 tỷ đồng và 765 tỷ đồng.

Nhìn chung, bức tranh tài sản của công ty khá lành mạnh, không có sự lo ngại nào đáng kể. Song, bức tranh kinh doanh lại không được tươi sáng như vậy. Dữ liệu cho thấy trong cùng giai đoạn nêu trên, doanh thu thuần của Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung liên tục suy giảm, từ 533 tỷ đồng xuống 467 tỷ đồng rồi xuống tiếp 232 tỷ đồng, tức trong 3 năm, doanh thu thuần giảm tới 56%.

Đà suy giảm của doanh thu đã kéo theo lợi nhuận gộp giảm mạnh tương ứng, từ 283 tỷ đồng xuống 252 tỷ đồng rồi chỉ còn 179 tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh là doanh thu tài chính tăng đáng kể trong cùng giai đoạn, từ 10 tỷ đồng lên 58 tỷ đồng và chi phí bán hàng giảm mạnh. Điều này đã giúp lãi trước thuế neo ở mức cao, lần lượt các năm là: 217 tỷ đồng, 243 tỷ đồng và 195 tỷ đồng.

Về dòng tiền, trong 2 năm 2017 – 2018, Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung duy trì dòng tiền kinh doanh rất tốt với giá trị dương 312 tỷ đồng và 239 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2019, công ty đã “đánh mất mình” khi dòng tiền kinh doanh âm tới 68 tỷ đồng khiến lưu chuyển tiền thuần năm này âm 9 tỷ đồng, làm tiền và tương đương tiền chỉ còn 9 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước đó và giảm tới 4 lần nếu so với năm 2016 – mức thấp nhất trong toàn giai đoạn 2016 – 2019.

Đáng nói, đây cũng không phải năm duy nhất Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung bị âm dòng tiền thuần. Năm 2017, dòng tiền thuần cũng âm tới 26 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.