Ông Putin lái xe điện chở Thủ tướng Ấn Độ và thông điệp đằng sau
(VNF) - Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân lái xe đưa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đi tham quan bằng chiếc ô tô điện nhỏ tại dinh thự của ông cho thấy hai nhà lãnh đạo này đã trở nên rất thân thiết.
Tăng cường hợp tác hạt nhân
Các nhà phân tích cho rằng việc lựa chọn xe điện để di chuyển ở nước Nga giàu dầu mỏ cũng có một hàm ý: Mối quan hệ hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo của Nga và Ấn Độ, vốn được củng cố sau loạt đòn trừng phạt dầu khí của phương Tây lên Nga, giờ đã chuyển sang xanh hoá và cả hạt nhân.
Ông Modi, người lãnh đạo nền dân chủ lớn nhất thế giới, đã ủng hộ ông Putin bằng cách biến Ấn Độ thành một trong số ít khách hàng trung thành của dầu khí Nga trong suốt cuộc chiến kéo dài hai năm ở Ukraine.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ ngày 8/7, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin rằng hai nước đang đàm phán để Nga xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân công suất cao mới ở Ấn Độ, cũng như các nhà máy điện hạt nhân nhỏ thế hệ tiếp theo.
Bất chấp mọi tranh cãi về năng lượng hạt nhân, đây là dạng năng lượng không phát thải carbon khi được tạo ra và đang nhanh chóng trở thành một phần trong các chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia cho cuộc khủng hoảng khí hậu.
Một cuộc chạy đua toàn cầu để cung cấp nhà máy điện hạt nhân và nhiên liệu cho các khu vực khác trên thế giới đang diễn ra, và Nga đang giành chiến thắng theo nhiều cách.
“Về mặt thương mại, Nga không giỏi sản xuất nhiều thứ, nhưng họ có tài nguyên thiên nhiên và có truyền thống hạt nhân mạnh mẽ có từ thời Liên Xô, và đó là điều họ có thể tận dụng ngay bây giờ”, bà Elisabeth Braw, thành viên cấp cao của Sáng kiến An ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nói với CNN.
“Rõ ràng là Điện Kremlin đã quyết định rằng đó sẽ là một ý tưởng hay và một số quốc gia muốn mở rộng sản xuất điện hạt nhân của riêng họ. Và cũng giống như xuất khẩu dầu, Ấn Độ là một trong những quốc gia đó”, bà Elisabeth chia sẻ thêm.
Sự thống trị về năng lượng hạt nhân đang giúp Tổng thống Putin duy trì vị thế của mình trên trường thế giới, ngay cả khi Mỹ và châu Âu gia sức hạ bệ Nga để lên án chiến sự tại Ukraine. Và Thủ tướng Ấn Độ Modi rõ ràng đang bám sát truyền thống của Ấn Độ về chính sách đối ngoại không liên kết cho phép nước này giao thương với Nga trong khi vẫn là bạn của phương Tây.
Tình bạn đó dường như sẽ kéo dài bởi việc tăng cường hợp tác hạt nhân với sáu nhà máy nữa sẽ ràng buộc hai quốc gia trong nhiều thập kỷ tới. Bản thân các nhà máy có thể mất nhiều năm để xây dựng, nhưng chúng cũng cần được bảo dưỡng thường xuyên, nâng cấp công nghệ và tiếp nhiên liệu liên tục bằng uranium, thứ mà Nga có rất nhiều.
Mỹ cấm uranium của Nga
Nga đã thua trong cuộc đua công nghệ tái tạo với Trung Quốc và đang tụt hậu xa so với Mỹ trong quá trình chuyển đổi năng lượng của riêng mình, khi đã phát triển rất ít năng lực gió và mặt trời.
Vì vậy, họ đang đặt cược lớn vào việc bán hạt nhân ra nước ngoài để kiếm thu nhập và nâng tầm ảnh hưởng, cung cấp mọi thứ từ lò phản ứng hạt nhân thông thường, lò phản ứng mô-đun nhỏ thế hệ tiếp theo và nhiên liệu uranium làm giàu được gọi là HALEU.
Mỹ nhận thức được vấn đề này lớn đến mức nào. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng cạnh tranh với Nga để bán công nghệ hạt nhân ra nước ngoài. Dù ban đầu nhiều quan chức đã phản đối việc nhắm mục tiêu vào uranium trong các lệnh trừng phạt của mình đối với Nga vì Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào nó để sản xuất điện hạt nhân của riêng mình.
Tuy nhiên, họ đã thay đổi thái độ vào tháng 5, khi cấm nhập khẩu uranium của Nga và đang trên hành trình phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp của riêng mình để sản xuất HALEU làm nhiên liệu cho các lò phản ứng thế hệ tiếp theo của riêng mình.
Ông Alan Ahn, Phó giám đốc Chương trình Hạt nhân, Khí hậu và Năng lượng của Third Way, một tổ chức nghiên cứu về khí hậu và năng lượng có trụ sở tại Washington DC, cho biết: "Nga dẫn đầu thế giới về số lượng các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các quốc gia khác và chính phủ Nga đã rất tích cực trong việc thu hút các đối tác quốc tế vào hợp tác hạt nhân dân sự".
Ông cho biết: “Các quốc gia khác sẽ gặp thách thức nếu muốn thoát khỏi vị thế thị trường mà Nga đã xây dựng trong nhiều thập kỷ”, đồng thời nói thêm rằng để giảm ảnh hưởng toàn cầu của Nga thông qua năng lượng hạt nhân, Mỹ cần “phát triển các sản phẩm có khả năng cạnh tranh về mặt thương mại”.
Chưa từ bỏ nhiên liệu hoá thạch
Tuy nhiên, việc di chuyển bằng xe điện và một thỏa thuận thúc đẩy năng lượng hạt nhân thành nguồn năng lượng sạch không phải là dấu hiệu cho thấy Nga hay Ấn Độ sẽ sớm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch hoặc là những nước đi đầu trong vấn đề khí hậu.
Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính làm nóng hành tinh lớn thứ ba thế giới, và Nga là nước thứ tư. Họ có khả năng không chỉ duy trì hoạt động buôn bán dầu khí mà còn tìm cách tận dụng lợi thế từ việc băng tan nhanh chóng ở Bắc Cực do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các đại biểu Nga và Ấn Độ ngày 9/7 đã thảo luận về việc tiếp tục khai thác Tuyến đường biển phía Bắc, một tuyến đường vận chuyển đang trở nên khả thi hơn do băng tan ở Bắc Cực. Đây là cách nhanh hơn để đi từ miền tây nước Nga đến Ấn Độ, và toàn bộ đoạn đường này được dự đoán sẽ không còn băng vào năm 2050.
Trớ trêu thay, loại năng lượng được vận chuyển dọc theo tuyến đường này giữa hai quốc gia là nhiên liệu hóa thạch, chính là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
"Nếu bạn có thể tăng cường quan hệ với Nga trong một lĩnh vực mà không khiến bạn thiệt hại gì cả, thì không có gì ngăn cản bạn làm điều đó. Nó chỉ có lợi cho Ấn Độ khi trở thành một phần của sự hợp tác chặt chẽ hơn ở Bắc Cực”, bà Elisabeth nhận định.
Bà nói thêm rằng Ấn Độ cũng được hưởng lợi từ việc chế biến dầu thô của Nga bởi đó là một khoản thu nhập bổ sung tuyệt vời cho Ấn Độ mà trước đây họ không có.
Sau chuyến thăm gây tranh cãi tới Nga, Thủ tướng Hungary tiếp tục tới Trung Quốc
- Thời tiết càng nóng, giá vàng càng tăng 10/07/2024 08:30
- Tesla được ‘ưu ái’ đặc biệt tại Trung Quốc 06/07/2024 09:30
- 'Cuộc khủng hoảng đang lan rộng' đe dọa kinh tế Nga 09/07/2024 02:27
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.