Tài chính quốc tế

Các hãng vận tải ưu tiên chở container rỗng đến Trung Quốc giữa 'cơn khát' toàn cầu

(VNF) - Việc vận chuyển các container rỗng trở lại Trung Quốc cho lợi nhuận tốt đến mức ngay cả một số chủ hàng đậu tương Mỹ cũng đang phải tranh giành các container để có thể xuất khẩu hàng sang châu Á.

Các hãng vận tải ưu tiên chở container rỗng đến Trung Quốc giữa 'cơn khát' toàn cầu

(Ảnh minh họa)

Việc khan hiếm container rỗng đồng nghĩa với việc Thái Lan không thể xuất khẩu gạo, Canada mắc kẹt với đậu Hà Lan và Ấn Độ không thể tiêu thụ hàng núi đường của mình.

Steve Kranig, giám đốc logistics của IM-EX Global Inc., một công ty vận chuyển hàng hóa, cho biết: “Nhiều người không nhận được thực phẩm mà họ cần. Một khách hàng của tôi trước đây vận chuyển trung bình từ 8 đến 10 container gạo mỗi tuần từ Thái Lan đến Los Angeles. Nhưng hiện tại anh ấy chỉ có thể vận chuyển 2 đến 3 container mỗi tuần”.

Vấn đề cốt lõi là vì Trung Quốc, nước đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 sớm, đã nhanh chóng phục hồi ngành xuất khẩu của mình dẫn tới nhu cầu container ở Trung Quốc tăng mạnh.

Nước này sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để các hãng vận tải đưa các container rỗng trở lại Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu cho thấy giá cước tăng cao đang đẩy giá một số loại thực phẩm.

Eric Wenberg, giám đốc điều hành của công ty thực phẩm Specialty Soya and Grains Alliance, cho biết giá đường trắng đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm vào tháng trước.

Bên cạnh đó, do Mỹ thiếu container rỗng khiến việc vận chuyển đậu tương bị đình trệ cũng khiến người tiêu dùng châu Á phải mua đậu nành và sữa đậu nành với giá cao hơn.

Dù việc các hãng vận tải vận chuyển trở lại các container rỗng sau khi giao hàng xong không phải là điều hiếm thấy. Nhưng các hãng vận tải thường cố gắng lấp đầy chúng để thu lợi nhuận từ cước vận chuyển ở cả hai chiều.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ cao hơn gần 10 lần so với chiều ngược lại, khiến các hãng vận tải ưa chuộng vận chuyển container rỗng hơn là chở hàng, dữ liệu của Freightos cho thấy.

Tại cảng Los Angeles, cảng container lớn thứ 4 của Mỹ, cứ 4 container trở lại châu Á thì có ba thùng container rỗng, tức tỉ lệ 75% trong khi trước đó tỉ lệ này là 50%.

Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, cũng chỉ xuất khẩu được 70.000 tấn đường trong tháng 1 vừa qua, chưa bằng 1/5 lượng xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái, Ravi Gupta, chủ tịch công ty sản xuất đường lớn hàng đầu của Ấn Độ, cho hay.

“Tình trạng này đã kéo dài suốt từ tháng 12/2020. Bạn sẽ không chỉ thiếu lương thực mà sẽ còn thiếu nhiều thứ khác. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi biết một số nhà vận tải tăng giá cước vận tải gấp đôi so với những năm trước”, đại diện của IM-EX Global cho hay.

"Cơn sốt" container xảy ra trong bối cảnh các nhà xuất khẩu của Mỹ đang tìm cách tăng cường xuất khẩu mọi thứ từ đậu tương đến nhiều loại ngũ cốc khác sang châu Á.

Judah Levine, trưởng nhóm nghiên cứu tại Freightos cho biết: “Các container trở nên khan hiếm ở châu Á, nhu cầu đã vượt quá nguồn cung”.

Tình hình nghiêm trọng đến mức một số người mua đang hủy hợp đồng hoặc trì hoãn việc mua hàng để tránh chi phí vận chuyển cao.

Xem thêm >> Vì sao tân Tổng thống Mỹ Biden chưa điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?

Tin mới lên