Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn đáy trong 5 tháng tới

Thanh Tú - 14/09/2022 16:44 (GMT+7)

(VNF) - Theo tính toán của tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn đáy vào đầu tháng 2 năm sau.

VNF
Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn đáy vào đầu tháng 2 năm sau.

"160 cơ sở dự trữ khí đốt ở 18 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ bơm đầy gần 83% chỉ đủ để cung cấp 21% lượng tiêu thụ hàng năm ở các nước thành viên khối này", ấn phẩm này nêu rõ.

Giờ đây các nhà chức trách châu Âu đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo lượng dữ trữ khí đốt đủ dùng cho cả mùa đông, đo đó, họ sẽ buộc phải giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và phân phối lại lượng dự trữ trong kho.

“Lượng dữ trữ khí đốt có thể kéo dài đến tháng 3/2023, nhưng với điều kiện là Moscow nối lại nguồn cung cấp khí đốt, dù chỉ với khối lượng nhỏ”, báo La Vanguardia nhận định.

Các chuyên gia được tờ báo phỏng vấn không chắc liệu châu Âu có thể đạt được mục tiêu giảm mức tiêu thụ hay không và liệu châu Âu có đủ cơ sở hạ tầng để điều tiết lượng dự trữ cho các quốc gia cần chúng hay không.

"Trong trường hợp thất bại, nền tảng của EU có thể bị lung lay", những chuyên gia này cảnh báo.

Trước đó, Quốc vụ khanh phụ trách quan hệ song phương của Bộ Ngoại giao Hungary, ông Tamas Menczer nói rằng Liên minh châu Âu có thể phải xem xét lại chính sách trừng phạt Nga vào mùa thu bởi vì khi trời bắt đầu lạnh giá thì "thực tế sẽ gõ cửa từng căn nhà" ở Tây Âu.

Ở động thái liên quan, tờ Guardian của Anh mới đây trích tài liệu rò rỉ về dự thảo quản lý điện của châu Âu cho thấy việc áp trần khí đốt Nga và khí đốt nhập khẩu nói chung không được đề cập tới trong tài liệu này.

Dù vậy, Guardian cũng cho biết văn bản cuối cùng có thể còn thay đổi nhưng dự thảo cho thấy Ủy ban châu Âu cho rằng không thể giành được sự ủng hộ của toàn bộ thành viên EU về việc áp giá trần với khí đốt Nga.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng của các nước EU ngày 9/9 đã có cuộc họp bất thường ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về những biện pháp bổ sung có thể được thi hành tại EU do giá năng lượng tăng cao.

Được biết, trong cuộc họp, các bộ trưởng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như quy định mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác; giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện; can thiệp "tạm thời và khẩn cấp" vào thị trường khí đốt, với mức giá trần do Bỉ và Italy cùng một số nước khác đề xuất.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao của khối cho biết các nước vẫn đang chia rẽ về kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga.

Trong khi các nước Baltic bày tỏ ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng nó sẽ cắt giảm nguồn thu của Moscow dùng để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine thì nhiều nước lại tỏ ra lo ngại.

Xem thêm >> Không chỉ dầu mỏ, Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác