Hai nước châu Âu tích cực nhập khẩu khí đốt Nga

Thanh Tú - 13/09/2022 11:37 (GMT+7)

(VNF) - Hai nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Hungary và Tây Ban Nha tăng cường nhập khẩu khí đốt Nga trong bối cảnh châu lục này đang loay hoay giải bài toán nguồn cung khí đốt khi mùa đông tới gần.

VNF
Hai nước châu Âu tích cực nhập khẩu khí đốt Nga.

Hãng tin RT của Nga mới dây dẫn dữ liệu được công bố ngày 12/9 bởi công ty năng lượng Tây Ban Nha Enagas cho hay khối lượng khí đốt Nga mà Tây Ban Nha nhập khẩu trong tháng 8 đã tăng 102,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cho thấy Tây Ban Nha đã mua 4.505 gigawatt giờ (GWh) khí đốt từ Moscow trong tháng 8 năm nay, cao gấp đôi so với 2.228 GWh vào tháng 8/2021. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ Algeria, vốn là nhà cung cấp khí đốt chính cho nước này, giảm 34,8%.

Dữ liệu cũng cho thấy Nga đứng thứ 5 trong số các nhà cung cấp chính của nước này (11,8%), sau Mỹ, Algeria, Nigeria và Pháp. Nhập khẩu khí đốt từ Mỹ chiếm 26,5% nguồn cung của Tây Ban Nha.

Tính tổng cộng trong 8 tháng đầu năm 2022, Tây Ban Nha đã nhập khẩu 32.770 GWh khí đốt từ Nga, nhiều hơn 22,8% so với cùng kỳ của năm 2021.

Ở động thái liên quan, một nước châu Âu khác là Hungary cũng đã tích cực nhập khẩu khí đốt Nga trong thời gian qua. Nước này hồi cuối tháng 8 đã đạt được một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga để giao hàng “cao hơn số lượng đã được ký hợp đồng”.

Hungary là thành viên EU và NATO nhưng giữ quan điểm tương đối trung lập vì phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Hungary cũng là một trong số ít các quốc gia thành viên EU tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble để mua khí đốt Nga đồng thời chỉ trích mạnh mẽ những chính sách khắc nghiệt của EU lên năng lượng Nga.

Hiện EU đang phải đối mặt với tình hình giá khí đốt tăng phi mã, đẩy châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng dẫn tới lạm phát kỷ lục ở nhiều nước.

Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, tính từ ngày 24/2- 24/8, Nga đã thu được 158 tỷ euro từ hoạt động xuất khẩu năng lượng.

Trong đó, EU là khách hàng lớn nhất mua nhiên liệu hóa thạch của Nga khi nhập tới 85,1 tỷ euro, tiếp theo là Trung Quốc (34,9 tỷ euro), Thổ Nhĩ Kỳ (10,7 tỷ euro), Ấn Độ (6,6 tỷ euro) và Nhật Bản (2,5 tỷ euro).

Theo CREA, mặc dù lượng nhiên liệu hóa thạch xuất khẩu trong năm nay của Nga đã giảm, nhưng giá năng lượng tăng cao đồng nghĩa với việc doanh thu của Nga cao hơn nhiều so với những năm trước.

Xem thêm >> Nga tuyên bố sẵn sàng vận hành Dòng chảy phương Bắc 2 ngay ngày mai

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác