Cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ không được cấp lại

Bảo Duy (TH) - 07/02/2018 18:02 (GMT+7)

(VNF) - Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH. Đồng thời không quy định cấp lại sổ đối với trường hợp người lao động đem sổ đi cầm cố. Luật quy định chỉ cấp lại sổ BHXH do bị hỏng, mất. Người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng cho hành vi kê khai đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ với lý do không đúng sự thật.

VNF
Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH. (Ảnh minh họa)

Tại hội nghị cung cấp thông tin của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) mới đây, ông Chu Minh Tộ, Trưởng Ban sổ - thẻ (BHXH Việt Nam) khẳng định, cơ quan BHXH sẽ không cấp lại sổ cho người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố.

Ông Tộ cho biết trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Việc bàn giao sổ BHXH là để người lao động được tự mình quản lý sổ, tự theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH của mình. Tuy nhiên, lợi dụng điều này nhiều lao động đã mang sổ BHXH đi cầm cố.

Thực tế cho thấy thời gian gần đây tại một số địa phương như: Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP. HCM, Đăk Nông… xảy ra tình trạng một số người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH mới.

Ông Tộ cho biết cơ sở pháp lý về trách nhiệm của người lao động đối với sổ BHXH được quy định rất rõ trong Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, người lao động có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH. Luật BHXH quy định, sổ BHXH được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của luật này.

Tại Khoản 2, Điều 97 Luật BHXH cũng quy định hồ sơ cấp lại sổ BHXH trong trường hợp người lao động bị hỏng, mất sổ. Người tham gia được cấp và bảo quản một sổ BHXH duy nhất. Trường hợp sổ BHXH bị mất, hỏng phải thông báo với cơ quan BHXH để xem xét cấp lại.

"Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ BHXH do bị hỏng, mất. Vì vậy, việc cầm số sổ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động", ông Tộ nhấn mạnh.

Phân tích về những hệ lụy của việc cầm cố sổ BHXH, ông Tộ cho biết thêm việc người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động mà cả của người nhận sổ BHXH để cầm cố, ảnh hưởng đến cơ quan BHXH, doanh nghiệp có người tham gia BHXH.

Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH theo quy định tại Quyết định số 1035/2015/QĐ-BHXH và Quyết định số 595/2017/QĐ-BHXH của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Vì vậy, cơ quan BHXH sẽ không cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp này.

"Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ với lý do bị mất, hỏng, cơ quan BHXH phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng cho hành vi kê khai không đúng sự thật, theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ", đại diện BHXH Việt Nam thông tin.

Cùng chuyên mục
Tin khác