Diễn đàn VNF

‘Cần có quy định phòng dịch đặc thù cho chuyên cơ chở các nhóm khảo sát dự án tỷ USD’

(VNF) – Đó là đề xuất do ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, diễn ra mới đây.

‘Cần có quy định phòng dịch đặc thù cho chuyên cơ chở các nhóm khảo sát dự án tỷ USD’

‘Cần có quy định phòng dịch đặc thù cho chuyên cơ chở các nhóm khảo sát dự án tỷ USD’

Theo ông Thành, các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới tình hình kinh doanh ở mức “rất nghiêm trọng”. Các doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh hoặc dừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu tháng 7.

Đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đều tham gia sâu hoặc đứng đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ nhận thấy, so với các nền kinh tế châu Á khác – kể cả đang có dịch với chủng Delta, hiện nay Việt Nam đang đóng cửa các doanh nghiệp lâu hơn rất nhiều.

“Các nhà cung cấp của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc được hoạt động trở lại sau từ 7 – 10 ngày với quy trình khoa học, chặt chẽ. Ở Việt Nam hiện nay, theo hướng dẫn của một số địa phương, quy trình này lâu gấp đôi, từ 2 – 3 tuần. Một số địa phương phía Nam hiện nay còn chưa có quy trình, chưa hướng dẫn được cho doanh nghiệp”, ông Thành cho biết.

Theo ông, đa số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho biết, nếu lệnh đóng cửa doanh nghiệp kéo dài từ 2 tháng trở lên, khả năng cắt giảm quy mô lâu dài trong thời gian tới khá cao, ở thang 4/5.

“Một số doanh nghiệp cho biết, nếu kéo dài đến 6 tháng, khả năng đóng cửa hoàn toàn là có thực, thang 5/5. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp hy vọng thời gian đóng cửa không kéo dài đến 6 tháng và hiện chưa tính đến phương án đóng cửa ở Việt Nam”, ông cho biết thêm.

Nói về các vướng mắc cụ thể và hướng giải quyết, ông Thành đề xuất Chính phủ có cơ chế thủ tục nhanh gọn cho các trường hợp nhập cảnh ngắn hạn, đặc thù.

Cụ thể, với các chuyên gia nước ngoài vào lắp đặt, hướng dẫn vận hành, sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng, Nghị định 152/2020 yêu cầu phải làm hồ sơ xin cấp giấy phép lao động với nhiều thủ tục rất nhiêu khê, không thực tiễn, không hợp lý và càng khó thực hiện trong bối cảnh đại dịch. Trong khi đó, trước đây, các trường hợp này chỉ cần xin visa công tác rất đơn giản.

Ông Thành đề nghị Chính phủ cho miễn cách ly cho người có hộ chiếu văc xin và tuân thủ lịch trình công tác ngắn ngày.

Với các trường hợp nhập cảnh đặc biệt, như chuyên cơ chở các nhóm khảo sát cho các dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD, Chính phủ cần có quy định phòng dịch đặc thù, vì mức độ rủi ro thấp và tầm quan trọng của các đoàn này với chủ trương “dọn tổ đón đại bàng” của Chính phủ.

Ông Thành cũng nhấn mạnh quy định phòng dịch đối với phi công vận tải quốc tế là không khả thi, không theo thông lệ an toàn phòng dịch quốc tế.

“Phi công chỉ ở trên máy bay hoặc xuống kiểm tra an toàn máy bay tại sân đỗ, không tiếp xúc gần, chỉ liên lạc qua bộ đàm với nhân viên không lưu và sân bay mà vẫn yêu cầu mặc bảo hộ phòng dịch đầy đủ như bác sỹ trong bệnh viện thì rất nguy hiểm cho an toàn bay. Không nước nào yêu cầu như vậy”, ông nói.

Theo ông Thành, các nước trên thế giới đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã “phủ” vắc xin cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy, Việt Nam không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài.

Ông kiến nghị Chính phủ cần thiết lập cổng thông tin quốc gia thống nhất về các chính sách, biện pháp, quy trình chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp. Thông tin phải được cập nhật thường xuyên, trình bày khoa học, dễ hiểu, dễ tra cứu, dễ đánh dấu và sao lưu, chia sẻ điện tử. Việc phát hành các văn bản giấy và bản quét/chụp (“scan”) ồ ạt cả ở cấp trung ương và địa phương như hiện nay rất khó theo dõi.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần bố trí đủ nhân lực, ngân sách, phương tiện cho đội ngũ hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương, coi đây là nhiệm vụ quan trọng như cứu người ở tầng cao nhất trong điều trị bệnh nhân Covid-19. “Cứu được 1 doanh nghiệp là cứu được cả trăm, cả ngàn người”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và công bố lộ trình mở cửa dần trở lại với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo khu vực với các mốc thời gian cụ thể. Các mốc thời gian này có thể điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế, nhưng bắt buộc phải đặt ra để doanh nghiệp có cơ sở lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đề xuất cuối cùng là đẩy mạnh, tăng tốc số hóa công tác quản lý nhà nước, công tác chống dịch, trong đó có các giải pháp về quản lý xét nghiệm, quản lý tiêm chủng, khám bệnh, kê đơn, phát thuốc... ; có cơ chế quyết đoán để mua sắm bằng ngân sách nhà nước hoặc xã hội hóa việc cung cấp các giải pháp số hóa này.

Tin mới lên