Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect đối với 1.045 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM (chiếm 93,7% giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán) cho thấy lợi nhuận ròng quý II/2022 tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng này thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng của quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước đó (đạt 36,7%) và tăng trưởng của quý II/2021 so với cùng kỳ (đạt 72,7%). Cũng cần lưu ý rằng quý II/2021, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 và phải tiến hành giãn cách xã hội toàn TP. HCM từ ngày 31/5/2021, tạo ra nền so sánh thấp, điều này cho thấy xét về “nội lực”, tăng trưởng lợi nhuận quý II/2022 của các doanh nghiệp niêm yết còn thấp hơn cả mức 13,5%.
Trên thực tế, số liệu biên lợi nhuận gộp cũng cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết chịu thách thức. Cụ thể, theo thống kê của VNDirect, biên lợi nhuận gộp toàn thị trường (loại trừ ngành ngân hàng) trong quý II/2022 vào khoảng 16,6%, tiếp tục xu hướng suy giảm kể từ quý III/2021.
Nhìn lại, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp niêm yết trên đạt mức 19,5% vào quý II/2021, sau đó đạt đỉnh 20,3% vào quý III/2021, giảm xuống 19,1% vào quý IV/2021, tiếp tục giảm xuống 17,5% vào quý I/2022 và 16,6% vào quý II/2022. Như vậy, không chỉ suy giảm liên tục mà biên lợi nhuận gộp quý II/2022 còn thấp hơn khá nhiều cùng kỳ năm ngoái.
Xét riêng trên sàn HoSE, lợi nhuận ròng quý II/2022 của các doanh nghiệp niêm yết chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 3,8% so với cùng kỳ. Nhóm “hàng tuyển” VN30 thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận ròng suy giảm 2,5%, theo tổng hợp từ VNDirect.
Có thể thấy, bên cạnh tác động chéo từ thị trường trái phiếu cùng áp lực tâm lý từ thị trường quốc tế, việc thị trường chứng khoán (thị trường cổ phiếu) giảm sâu trong quý II (VN-Index mất gần 20% giá trị) còn do hoạt động kinh doanh không được như kỳ vọng trước đó.
Đi sâu hơn, xét trên bình diện toàn thị trường, lực kéo lợi nhuận chủ yếu tới từ nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn với mức tăng lợi nhuận ròng quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái đạt 24,1%. Trong khi đó, áp lực đè nặng lên nhóm doanh nghiệp vốn hóa vừa khi ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận lên tới 25,4%, còn nhóm doanh nghiệp vốn hóa nhỏ cũng chỉ ghi nhận mức tăng 3,6%.
Xét theo nhóm ngành, ngân hàng vẫn là nhóm tạo ra lực kéo chính khi xét về quy mô, đã đóng góp tới 11,9% vào tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường trong quý II/2022, theo số liệu của VNDirect. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận ròng quý vừa qua của nhóm ngân hàng đã tăng tới 39,8%.
Dầu khí là ngành đóng góp quan trọng thứ hai khi chiếm 5,7% tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường. Mức tăng lợi nhuận ròng của nhóm này trong quý II/2022 lên tới 173%.
Kế đó là các ngành hóa chất, vận tải với tốc độ tăng lợi nhuận ròng lần lượt là 138% và 117%, đóng góp 3,5% và 3,3% vào tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường trong quý II/2022.
Các ngành ghi nhận tăng trưởng tích cực khác có thể kể đến đồ uống, viễn thông, xây dựng và vật liệu, công nghệ, dịch vụ tiện ích…
Ở chiều ngược lại, các ngành suy giảm lợi nhuận ròng mạnh gồm: dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán), kim loại, bảo hiểm, bất động sản và công nghiệp. Trong đó, nhóm bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh bởi kết quả kém khả quan của Vinhomes (HoSE: VHM) với mức giảm lên tới 95%; nếu loại trừ Vinhomes, lợi nhuận ròng quý II/2022 của nhóm bất động sản tăng tới 52,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nếu không loại trừ thì giảm 35,8%.
Nửa cuối năm 2021 là thời kỳ khó khăn với nền kinh tế do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, đặc biệt là trong quý III khi GDP Việt Nam giảm 6,17%. Điều này khiến cho mức nền so sánh nửa cuối năm ngoái khá thấp, tạo điều kiện cho tăng trưởng cao trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, đây là điều dễ dàng dự báo trước nên có thể đã được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Như vậy, trong quá trình chọn lọc cổ phiếu để đầu tư thời gian tới, cần nhìn xa hơn vào triển vọng các ngành, không chỉ trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 mà còn cả năm 2023.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán công bố gần đây, Công ty Chứng khoán SSI bày tỏ quan điểm tích cực trong nửa cuối năm 2022 cũng như trong năm 2023 đối với ngành bất động sản khu công nghiệp và công nghệ thông tin.
Theo quan điểm của SSI, ngành bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI tiếp tục chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi quỹ đất tăng khoảng 10%/năm. Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty bất động sản khu công nghiệp niêm yết dự báo ở mức 18%. Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ổn định ở mức 20%.
Đáng chú ý, khá nhiều ngành được SSI dự báo sẽ tăng trưởng khá trong 6 tháng cuối năm 2022 nhưng sẽ chậm đi đáng kể trong năm 2023. Đầu tiên là ngành y tế (bao gồm bệnh viện tư nhân niêm yết và các công ty dược phẩm niêm yết) ước tính tăng 13% trong nửa cuối năm 2022 và quay trở lại mức tăng bình thường là 8% vào năm 2023.
Thứ hai là ngành ngân hàng. Lợi nhuận các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI trong 6 tháng cuối năm 2022 dự kiến sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm, nhưng do mức cơ sở so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 nên tăng trưởng lợi nhuận vẫn tích cực. Tuy nhiên sang năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến chỉ ở mức 17%, so với mức ước tính 32% của năm 2022, do tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại và áp lực trích lập dự phòng tăng lên.
Thứ ba là ngành thực phẩm và đồ uống. Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 có khả năng đạt đỉnh do mức nền so sánh thấp của 6 tháng cuối năm 2021. Năm 2023, tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại nhưng vẫn khá ổn định.
Tiếp đến là ngành vận tải. SSI cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ngành này sẽ đạt đỉnh vào quý III/2022 do giá cước vận tải nội địa và giá thuê tàu ổn định, sau đó tăng trưởng sẽ giảm tốc vào năm 2023.
Ngoài ra, lợi nhuận ngành bán lẻ có thể đạt đỉnh do mức nền so sánh thấp của 6 tháng cuối năm 2021, thậm chí có khả năng đã đạt đỉnh từ quý trước. Sang năm 2023, tăng trưởng sẽ chậm lại nhưng tương đối ổn định, theo quan điểm của SSI.
Có phần trái ngược, các ngành như bảo hiểm, chứng khoán có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận kém khả quan trong 6 tháng cuối năm 2022. Tuy vậy, năm 2023, SSI cho rằng các công ty bảo hiểm niêm yết sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 2 con số do hưởng lợi từ việc lãi suất tăng lên, trong khi đó, lợi nhuận của các công ty chứng khoán có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Triển vọng tiêu cực trong thời gian tới được dành cho ngành bất động sản dân cư & xây dựng, các ngành liên quan đến hàng hóa và các ngành liên quan đến xuất khẩu.
Cụ thể, với ngành bất động sản & xây dựng, SSI cho rằng năm 2022, nguồn cung bất động sản vẫn còn hạn chế do thủ tục cấp phép kéo dài. Cùng với đó, thanh khoản phân khúc hạng sang được dự báo sẽ giảm xuống trong bối cảnh giá nhà tăng tại các thành phố trọng điểm. Trong khi đó, các căn hộ phân khúc trung bình trên thị trường sơ cấp đang được định giá quá cao.
Năm 2023, nhu cầu mua căn hộ có thể bị ảnh hưởng bởi lãi suất cho vay tăng. Do tính thanh khoản kém của thị trường, giá nhà có thể cũng bị ảnh hưởng. Những điều này tạo áp lực lên thị trường thứ cấp. Nhìn chung, triển vọng dài hạn của ngành này là chưa chắc chắn.
Với các ngành liên quan đến hàng hóa, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực phân bón, thủy sản, hóa chất và dầu khí có thể đã đạt đỉnh. Còn các ngành liên quan đến xuất khẩu như may mặc, đồ gỗ, cảng hay cả thủy sản dự báo sẽ bị tác động bởi nhu cầu toàn cầu suy giảm, theo dự báo của SSI.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá là khá “rẻ” khi so sánh giữa P/E hiện nay với P/E quá khứ và so với P/E của các thị trường trong khu vực; cùng với đó, lợi suất của thị trường chứng khoán (nghịch đảo P/E) cũng hấp dẫn hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, “rẻ” không có nghĩa là nên mua cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay, có 2 vấn đề mà giới đầu tư đang lo ngại.
Thứ nhất là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận. Như đề cập ở trên, đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang chậm lại và ngày càng chịu thách thức lớn, không chỉ bởi nền kinh tế Việt Nam đang cảm nhận rõ rệt những sức ép, rủi ro từ thị trường thế giới, nhất là thách thức suy giảm sức mua trên toàn cầu, mà còn bởi nền kinh tế Việt Nam có độ trễ nhiều tháng so với thế giới nên rủi ro vẫn hiện hữu, chẳng hạn như lạm phát nhiều nước trên thế giới có thể đã đạt đỉnh nhưng Việt Nam có thể chưa.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đặt ra hồi đầu năm dù thị trường trái phiếu đang “kẹt” vốn còn thị trường cổ phiếu diễn biến tiêu cực, không thuận lợi để doanh nghiệp huy động vốn. Nhìn xa hơn, việc các ngân hàng giải ngân tín dụng "quá trớn" trong năm 2022 có thể khiến Ngân hàng Nhà nước "chặt tay" hơn trong việc cấp hạn mức tín dụng trong năm 2023, chẳng hạn cấp thành nhiều đợt hơn với hạn mức khiêm tốn, thay vì cấp hạn mức cao ngay từ đầu năm.
Nếu tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục chậm lại, giới đầu tư sẽ giảm kỳ vọng vào thị trường và điều này có thể tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu. Thậm chí, nếu lợi nhuận suy giảm, định giá P/E còn có thể tăng lên, tức là thị trường trở nên “đắt” hơn, càng ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Trên thực tế, việc lợi nhuận ròng quý II/2022 của nhóm VN30 suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy kịch bản trên không phải là ít khả năng xảy ra.
Yếu tố thứ hai khiến giới đầu tư lo ngại hơn là “số phận” của thị trường trái phiếu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (hay đúng hơn là giới chủ doanh nghiệp) đang trong trạng thái… chờ.
Đầu tiên, họ chờ sự ra đời chính thức của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP sửa đổi. Nôm na, “luật chơi” cũ trên thị trường trái phiếu đã không còn được chấp nhận, họ phải chờ sự ra đời của “luật chơi” mới để tính toán các bước tiếp theo nhằm hạn chế rủi ro.
Sau khi có nghị định mới, nếu phát hành trái phiếu, họ lại chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý. Nếu việc phê duyệt tiếp tục thận trọng như hiện tại, hoặc không được cải thiện nhiều, thời gian chờ của doanh nghiệp sẽ kéo dài và gây nản lòng.
Sau khi được phê duyệt các bước phát hành quan trọng, doanh nghiệp lại phải chờ… bán xong trái phiếu. Vụ Tân Hoàng Minh hẳn nhiên đã khiến nhà đầu tư ngập ngừng hơn khi mua trái phiếu, khiến thời gian bán trái phiếu có thể bị kéo dài ra, thậm chí tỷ lệ phát hành thành công có thể suy giảm đáng kể so với trước đây.
Doanh nghiệp, giới chủ doanh nghiệp liên tục phải… chờ, trong khi thời gian đáo hạn trái phiếu cũ không chờ ai. Giai đoạn 2023 – 2024 là cao điểm đáo hạn trái phiếu, ước tính lên đến trên 500.000 tỷ đồng. Nếu không thể phát hành trái phiếu để dùng tiền “đảo nợ”, giới chủ doanh nghiệp sẽ phải tìm đủ mọi cách để xoay xở nguồn tiền “khổng lồ”, trong đó có cách bán tài sản và một trong các tài sản chính là cổ phiếu. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn lên thị trường cổ phiếu.
Cần lưu ý rằng không dễ dàng để doanh nghiệp/giới chủ doanh nghiệp có thể thoái thác trách nhiệm trả nợ trái phiếu, dù rằng pháp nhân vay nợ là trách nhiệm hữu hạn, nếu nhìn sang câu chuyện của Tân Hoàng Minh.
Như vậy, để tìm ra thời điểm thích hợp đầu tư, bên cạnh việc tùy thuộc phong cách đầu tư thì nhà đầu tư cũng cần quan sát các rủi ro, đặc biệt là các động thái trên thị trường trái phiếu.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.