Tài chính quốc tế

Cạn tiền hỗ trợ Ukraine, Mỹ và EU ‘bất chấp tất cả’ tịch thu 300 tỷ USD của Nga?

(VNF) - Bất chấp nhiều cản trở về mặt pháp lý, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy kế hoạch sử dụng khối tài sản trị giá 300 tỷ USD của Nga để hỗ trợ Ukraine.

Thúc đẩy tịch thu tài sản Nga

Theo New York Times, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang âm thầm phát tín hiệu sẽ "xuống tay" với hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga được cất giữ ở các quốc gia phương Tây, đồng thời đã bắt đầu thảo luận khẩn cấp với các đồng minh về việc sử dụng số tiền này để hỗ trợ Ukraine vào thời điểm nguồn tài trợ đang suy yếu.

Theo thông báo ngày 18/12 của Nhà Trắng, Mỹ đang chuẩn bị gửi gói viện trợ quân sự cuối cùng cho Ukraine trước khi ngân sách của Washington cạn kiệt.

Một phần đáng kể dự trữ ngoại hối của Nga được giữ bằng đồng USD.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen đã lập luận rằng nếu Quốc hội không có hành động thì việc tịch thu các khoản tiền này “không phải là điều được pháp luật cho phép ở Mỹ”.

Một số quan chức hàng đầu của Mỹ cũng lo ngại rằng các quốc gia trên thế giới sẽ ngần ngại lưu giữ tiền của họ tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, hoặc bằng USD, nếu Mỹ thiết lập một tiền lệ về việc thu giữ tiền.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ, phối hợp với Nhóm 7 nước công nghiệp tiên tiến (G7), đang tích cực bàn bạc và cân nhắc xem họ có thể sử dụng các chính sách hiện có của mình hay không hoặc liệu có nên ban hành những chính sách mới để hợp thức hoá việc tịch thu tài sản của Nga hay không.

Các quan chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng tài chính, ngân hàng trung ương, nhà ngoại giao và luật sư đã liên tục diễn ra những tuần gần đây, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản đưa ra chiến lược trước ngày 24/2/2024, tròn 2 năm Nga đưa quân tới Ukraine.

Theo một số ước tính, rất ít tài sản của Nga, có lẽ khoảng 5 tỷ USD, nằm trong tay các tổ chức của Mỹ. Nhưng một phần đáng kể dự trữ ngoại hối của Nga được giữ bằng USD, cả ở Mỹ và châu Âu. Mỹ có quyền giám sát các giao dịch liên quan đến tiền tệ của mình và sử dụng các biện pháp trừng phạt để đóng băng tài sản bằng đồng USD.

Phần lớn tiền gửi của Nga được cho là ở châu Âu, bao gồm cả Thụy Sĩ và Bỉ, những nước không thuộc G7. Do đó, các cuộc đàm phán ngoại giao đang được tiến hành về cách tiếp cận các nguồn tiền đó, một số trong đó được giữ bằng euro và các loại tiền tệ khác.

Các quan chức Mỹ rất ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không hồi hương số tiền trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Họ đã suy đoán rằng ông Putin không tin rằng số tiền này sẽ bị tịch thu vì chúng không bị ảnh hưởng sau khi ông sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Đầu năm nay, các quan chức Mỹ cho biết họ nghĩ số tài sản bị phong tỏa có thể được dùng làm đòn bẩy để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán về lệnh ngừng bắn. Đổi lại, Moscow sẽ được cấp quyền tiếp cận một số tài sản của mình. Nhưng Nga tỏ ra không quan tâm đến các cuộc đàm phán như vậy và hiện các quan chức cho rằng việc bắt đầu sử dụng số tiền này có thể thúc đẩy Moscow chuyển sang bàn đàm phán.

Còn nhiều quan ngại

Hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Moscow trong hơn một năm sau khi Mỹ cùng với châu Âu và Nhật Bản đã sử dụng các biện pháp trừng phạt để đóng băng khối tài sản này. Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản thì không đơn giản như vậy và cần phải xem xét kỹ lưỡng về mặt pháp lý.

Tổng thống Biden vẫn chưa phê duyệt chính sách tịch thu tài sản và nhiều chi tiết vẫn đang được thảo luận sôi nổi. Các nhà hoạch định chính sách phải xác định xem số tiền này sẽ được chuyển trực tiếp đến Ukraine hay được sử dụng cho lợi ích của nước này theo những cách khác.

Họ đang quan ngại rằng liệu số tiền này có thể chỉ được sử dụng cho mục đích tái thiết và hỗ trợ nền kinh tế Ukraine hay không, hoặc nó sẽ được sử dụng cho chiến sự.

Các cuộc thảo luận càng trở nên cấp bách hơn sau khi yêu cầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden về khoản hỗ trợ trị giá hàng chục tỷ USD cho Ukraine đã bị chặn tại Quốc hội, vì đảng Cộng hòa cho rằng yêu cầu này phải đi đôi với các biện pháp kiểm soát nhập cư cứng rắn hơn dọc biên giới Mỹ - Mexico.

Chính quyền ông Biden có quan điểm rằng việc tịch thu tài sản của Nga là khả thi theo luật pháp quốc tế.

Tờ Financial Times trước đó đưa tin rằng chính quyền ông Biden đã có quan điểm rằng việc tịch thu tài sản của Nga là khả thi theo luật pháp quốc tế.

Các quan chức Mỹ cho biết nguồn tài trợ hiện tại dành cho Ukraine gần như cạn kiệt và họ đang phải vật lộn để tìm cách cung cấp đạn pháo và hệ thống phòng không cho nước này.

Với lời hứa của chính châu Âu về nguồn tài trợ mới cũng bị mắc kẹt, nhiều ý tưởng mới đang được tranh luận về cách sử dụng tài sản của Nga.

Một số phương án được đưa ra như tịch thu tài sản trực tiếp và chuyển chúng sang Ukraine, sử dụng tiền lãi kiếm được và các lợi nhuận khác từ tài sản được nắm giữ tại các tổ chức tài chính châu Âu để mang lại lợi ích cho Ukraine hoặc sử dụng tài sản đó làm tài sản thế chấp cho các khoản vay cho Ukraine.

Ông Robert B. Zoellick, cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã giải thích với các bộ trưởng tài chính G7 rằng miễn là họ đồng lòng hành động, việc tịch thu tài sản của Nga sẽ không ảnh hưởng đến đồng nội tệ của họ hoặc vị thế của đồng USD. Ông cho rằng các quốc gia khác khó có thể vội vàng đổ tiền vào một loại tiền tệ khác, chẳng hạn như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Nguy cơ trả đũa

Theo các nhà kinh tế, việc thu giữ một số tiền lớn như vậy từ một quốc gia có chủ quyền khác là điều chưa từng có tiền lệ và hành động như vậy có thể gây ra những hậu quả kinh tế và pháp lý khó lường. Nó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến các vụ kiện và trả đũa từ Nga.

Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phương Tây đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương và công dân nước này là động thái bất hợp pháp.

Trong một dấu hiệu cho thấy một số nước châu Âu sẵn sàng tiến hành tịch thu tài sản của Nga, các công tố viên Đức tuần này đã thu giữ khoảng 790 triệu USD từ tài khoản ngân hàng Frankfurt của một công ty tài chính Nga đang chịu lệnh trừng phạt của EU.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây đã cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả tương xứng nếu EU quyết định sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

“Nếu một quyết định như vậy được đưa ra, một phản ứng hoàn toàn cân xứng sẽ đến từ Liên bang Nga”, ông Siluanov tuyên bố và cho biết thêm rằng có nhiều tài sản bị phong tỏa trong các tài khoản loại C ở Nga.

Tài khoản loại C là nơi lưu giữ tài sản phong tỏa của người nước ngoài ở Nga. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết số tiền trong tài khoản loại C ở Nga vượt 280 tỷ ruble (hơn 3 tỷ USD).

"Con số này không nhỏ và lợi nhuận từ việc sử dụng các tài sản đó cũng đáng kể. Chúng tôi có thể sử dụng chúng nếu các đối tác không thân thiện có động thái tương tự", ông Siluanov cho hay.

Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phương Tây đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương và công dân nước này là động thái bất hợp pháp.

Hồi đầu tháng 11, Tổng thống Putin ký sắc lệnh có hiệu lực ngay lập tức, cho phép công dân Nga có thể đổi tài sản đang bị đóng băng của họ ở nước ngoài để lấy tài sản nước ngoài đang bị đóng băng tại Nga.

Xem thêm >> Lo Nga trả đũa, nhiều nước châu Âu phản đối tịch thu tài sản

Tin mới lên