Căng thẳng lên đỉnh điểm, EU vẫn nhập khẩu mạnh nhiều mặt hàng của Nga
Mộc An -
03/12/2023 00:49 (GMT+7)
(VNF) - Bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế nhắm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay vẫn tăng cường nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng từ Nga do chưa thể tìm được nguồn cung thay thế.
Nhiên liệu hạt nhân
Theo số liệu của Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), EU đã tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân và dịch vụ liên quan đến lĩnh vực hạt nhân từ Nga trong hai năm qua.
Theo báo cáo, khối tiếp tục dựa vào nguồn cung từ Nga để vận hành các lò phản ứng VVER do Nga thiết kế được Bulgaria, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Hungary và Slovakia sử dụng.
Năm quốc gia này đã mua thêm 30% dịch vụ chuyển đổi từ Nga và làm giàu thêm 22% cho các lò phản ứng của họ vào năm ngoái so với năm 2021.
“Những thành viên EU không phụ thuộc vào Nga đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc đó hơn nữa. Còn những nước phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu của Nga đang tăng trữ lượng nhiên liệu dự phòng cho bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung trước khi nhiên liệu thay thế được cấp phép”, theo ESA Stefano Ciccarello.
Năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 10% mức tiêu thụ năng lượng của EU, trong đó Pháp, Thụy Điển và Bỉ là những nhà sản xuất lớn nhất của khối.
Lĩnh vực hạt nhân của Nga cho đến nay vẫn chưa bị EU trừng phạt. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên đã bỏ ngỏ khả năng bổ sung các biện pháp hạn chế nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga vào vòng biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Dù vậy, việc áp đặt các lệnh trừng phạt của EU đòi hỏi sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia EU. Hungary và Slovakia đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ không ủng hộ các hạn chế đối với nhập khẩu hạt nhân của Nga.
Ngũ cốc và phân bón
EU cũng đã gia tăng đáng kể nhập khẩu ngũ cốc của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của khối đối với nước này, theo số liệu cơ quan thống kê Eurostat.
Cụ thể, thống kê cho thấy EU trong tháng 9 đã tăng nhập khẩu ngũ cốc của Nga thêm 22% so với tháng trước lên 180.000 tấn, gấp gần 10 lần khối lượng đã mua từ Nga trong cùng kỳ năm ngoái.
Đây là con số cao nhất kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra kéo theo cơn bão trừng phạt của phương Tây lên Nga. Nhập khẩu tăng vọt từ Nga đã giúp nước này quay lại danh sách 5 nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu cho khối 27 quốc gia EU lần đầu tiên sau 6 tháng. Hiện Nga đứng ở vị trí thứ tư trong danh sách này.
Trong tháng 9, Ukraine vẫn là nhà cung cấp ngũ cốc lớn nhất cho EU với 1,2 triệu tấn, giảm 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Brazil đứng thứ hai với 1,1 triệu tấn, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ với 204.000 tấn và Canada ở vị trí thứ 5 với 139.000 tấn.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Eurostat cũng cho thấy EU đã tăng cường nhập khẩu phân bón của Nga trong những tháng gần đây. Theo dữ liệu, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, thị phần phân bón Nga đã tăng trở lại mức 27% trong tổng lượng phân bón nhập khẩu của EU. Con số này bằng với kết quả trong quý III/2021, trước thời điểm xảy ra xung đột Ukraine.
Mặc dù cả ngũ cốc và phân bón của Nga đều không bị phương Tây trừng phạt trực tiếp, nhưng hoạt động xuất khẩu của chúng đã bị cản trở trong những tháng gần đây do các hạn chế về tài chính, vận chuyển và bảo hiểm áp đặt lên Moscow. Nga đã nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ những hạn chế này.
Khí thiên nhiên hóa lỏng
Hãng tin El Mundo dẫn dữ liệu từ nhà điều hành mạng lưới khí đốt Enagas của Tây Ban Nha cho biết nước này đã tăng cường mua khí đốt tự nhiên của Nga vào năm 2023, với lượng nhập khẩu dự kiến sẽ đạt mức cao lịch sử.
Cụ thể, Tây Ban Nha cho đến nay đã mua 60.770 gigawatt khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế từ tháng 1 đến tháng 10, Nga là nước xuất khẩu LNG lớn thứ ba sang Tây Ban Nha, cung cấp 18,1% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của cả nước, chỉ sau Algeria (28,8%) và Mỹ (20,1%).
Tây Ban Nha có sáu nhà máy tái hóa khí và là một trong những cảng nhập cảnh chính của các hãng vận tải LNG trong khối.
Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy ngoài Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ nằm trong số những quốc gia đã tăng cường mua LNG của Nga trong năm nay.
Theo một báo cáo trước đó của Financial Times, EU đã bán lại hơn 1/5 lượng LNG nhập khẩu của Nga thông qua trung chuyển tại các cảng của mình tới các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Bangladesh.
Cho đến nay, EU đã áp đặt 11 đợt trừng phạt lên Nga kể từ đầu năm 2022, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và thị trường của nước này.
Tổng lượng mua hàng của khối từ Nga đã giảm gần 5 lần kể từ khi áp dụng các hạn chế, với tỷ trọng nhập khẩu ngoài EU của Nga giảm từ 9,5% vào tháng 2/2022 xuống còn 2% vào tháng 9/2023.
Trong khi đó, Nga đã chuyển hướng thành công phần lớn giao dịch thương mại sang châu Á, chủ yếu sang Ấn Độ và Trung Quốc.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone