Căng thẳng thương mại với Mỹ, xuất khẩu Trung Quốc lại sụt giảm

Minh Đăng - 09/09/2019 07:47 (GMT+7)

(VNF) - Sau mức tăng 3.3% trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu (tính bằng đồng USD) của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất trong 3 tháng gần đây.

VNF
Kim ngạch xuất khẩu (tính bằng đồng USD) của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh minh họa).

Reuters ngày 8/9 dẫn số liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm 16% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức giảm 6,5% trong tháng 7. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc giảm 22,4%.

Xuất khẩu từ Trung Quốc sang các thị trường khác như châu Âu, Hàn Quốc, Úc và Đông Nam Á cũng không có tín hiệu tăng trưởng khả quan, thậm chí tồi tệ hơn so với tháng trước đó. Tuy nhiên, xuất khẩu tới Nhật Bản và Đài Loan tăng nhẹ so với tháng 7.

Bên cạnh xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 5,6% trong tháng 8, không cải thiện so với cùng mức giảm 5,6% của tháng 7.

Cũng theo số liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 8 đạt 34,84 tỷ USD, riêng với với Mỹ là 26,95 tỷ USD, giảm bớt so với mức 27,97 tỷ USD trong tháng 7.

Cộng dồn 8 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã đạt 195,45 tỷ USD.

Reuters dẫn lời nhà kinh tế Zhang Yi từ công ty Quản lý vốn Zhong Hai Sheng Rong cho rằng: “Xuất khẩu kém yếu dù đồng nhân dân tệ sụt giá đáng kể, chứng tỏ rằng nhu cầu bên ngoài thấp vẫn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới xuất khẩu trong năm nay”.

Tiêu thụ nội địa và đầu tư của Trung Quốc vẫn ở mức rất thấp bất chấp việc chính phủ đưa ra một loạt các biện pháp kích thích trong năm qua.

Nhiều nhà phân tích dự đoán tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm đi trong những tháng tới, khi số lượng các đơn hàng xuất khẩu cả khu vực nhà nước và tư nhân đều cho thấy sự xấu đi.

Trung Quốc và Mỹ đã thông báo trong tháng 10 sẽ có các cuộc đàm phán trực tiếp. Nếu không có diễn biến đột phá, theo kế hoạch Mỹ sẽ áp thêm thuế vào ngày 1/10, sau đó cả 2 nước sẽ tăng thuế vào ngày 15/12.

Trước đó, mức thuế mới nhất mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lẫn nhau chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9. Đây được xem là “siêu bão thuế quan” mới giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau đợt đình chiến thương mại hồi cuối tháng 6.

Cụ thể, quần áo, thực phẩm, đồ gia dụng, tai nghe bluetooth và tivi nằm trong số những mặt hàng tiêu dùng Trung Quốc trị giá 110 tỷ USD bị Mỹ áp mức thuế mới 15% từ ngày 1/9. Vòng áp thuế thứ hai sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12, giáng vào gần như toàn bộ những mặt hàng còn lại của Trung Quốc.

Để đáp trả, Trung Quốc bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.

Trung Quốc ngày 2/9 đã gửi khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng việc Mỹ áp thuế bổ sung đã vi phạm sự đồng thuận của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6.

Xem thêm >> Nói Nga-Trung 'phá vỡ trật tự thế giới', Mỹ kêu gọi châu Âu đối phó

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác