Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc sắp tung ‘danh sách đen’ thương mại
Minh Đăng -
31/05/2019 19:58 (GMT+7)
(VNF) - Chỉ hai tuần sau khi Washington tuyên bố đưa Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc vào ‘danh sách đen’, Trung Quốc tuyên bố nước này cũng sẽ lập một danh sách tương tự.
Theo hãng tin AFP, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong ngày 31/5 cho hay các công ty, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ bị đưa vào danh sách "các thực thể không đáng tin cậy" nếu không tuân thủ các quy định thị trường, đi ngược lại quy tắc trong hợp đồng hay phong tỏa, ngừng cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại và gây hủy hoại nghiêm trọng quyền chính đáng và lợi ích của doanh nghiệp nước sở tại.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các biện pháp chi tiết sẽ được thông báo trong thời gian tới.
Trước đó, hồi giữa tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Huawei Technologies vào danh sách đen thương mại, theo đó cấm tập đoàn này mua các phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp công nghệ của Mỹ.
Danh sách đen này có tên gọi chính thức là "Danh sách thực thể" (Entity List). Những cá nhân và tổ chức bị liệt vào danh sách này là vì được cho đã tham gia hoặc có khả năng cao tham gia vào các hoạt động gây đe dọa cho an ninh quốc gia hay các lợi ích về chính sách ngoại giao của Mỹ.
Tuy nhiên, Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên cho đến giữa tháng 8 tới, động thái được cho là nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên thế giới.
Mới đây, tờ South China Morning Post ngày 30/5 cho biết hiện có tổng cộng 143 thực thể của Trung Quốc đại lục bị liệt vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Con số này được tính toán dựa trên một tài liệu dài 281 trang được quản lý bởi Cục Công nghiệp và an ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong.
Các tổ chức, cá nhân thuộc "Danh sách thực thể" phải xin giấy phép từ BIS trước khi mua phần mềm, công nghệ từ Mỹ. Tuy nhiên, theo SCMP, hầu hết các đơn xin này sẽ bị từ chối.
Đa số các thực thể Trung Quốc bị Mỹ cấm hoạt động trong các lĩnh vực như điện tử, hàng không, chất bán dẫn, kỹ thuật và vật liệu công nghệ cao. Bao gồm, Viện Thiết bị điều khiển tự động Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu công nghệ hàng không Bắc Kinh, Viện Máy điện Bắc Kinh, Trung tâm nghiên cứu và phát triển khí động học Trung Quốc hay Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc.
Một số nhà phân phối linh kiện công nghệ cao đến từ Trung Quốc cũng nằm trong danh sách này như Tenco Technology, Avin Electronics, Multi-Mart Electronics. Ngoài ra còn có các tổ chức học thuật lớn như Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Công nghệ Quốc phòng, Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử...
Chính phủ Mỹ đang cân nhắc bổ sung các nhà cung cấp hệ thống giám sát như Dahua Technology, Hikvision Digital, Megvii, Meiya Pico và iFlytek vào "Danh sách thực thể".
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước sang giai đoạn nguy hiểm mới. Hai nước đều đã thông báo nâng thuế nhập khẩu với hàng hóa của nhau và đe dọa áp thêm thuế mới.
Cho đến nay, Mỹ đã đánh thuế 10%, 25% cho hơn 6.000 mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với số tiến đánh thuế lên đến 250 tỷ USD và đang cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 t
Đáp trả, Trung Quốc cũng đánh thuế hơn 5.000 mặt hàng của Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc, với trị giá 110 tỷ USD. Như vậy, Mỹ đã đánh thuế đến hơn 50% hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.
Giới chuyên gia cho biết, cuộc chiến thương mại bắt đầu từ năm 2018 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua bị sụt giảm nghiêm trọng: tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp nhất gần 30 năm qua, chỉ đạt mức 6,6% GDP; mức nợ công lên đến 28.000 tỷ USD; đầu tư không hiệu quả; sản xuất dư thừa, hàng hóa tồn đọng và không tiêu thụ được.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone