Thị trường

Cảnh báo vàng SJC rớt xuống 70 triệu/lượng, chờ một làn sóng bán tháo

(VNF) - Nhiều người lo ngại thị trường vàng miếng SJC "sập" sau kiến nghị của NHNN, dẫn đến làn sóng bán tháo vàng miếng trong ngắn hạn.

Chỉ trong một tuần, giá vàng trong nước liên tục biến động sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Chao đảo là từ dùng để nói về thị trường vàng trong nước tuần qua. Trong nhiều ngày, giá vàng miếng SJC luôn neo ở vùng 81 – 82 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, sau hàng loạt chỉ đạo và động thái từ phía Chính phủ và những bên liên quan, giá vàng trong nước bắt đầu lao dốc không phanh, xuống còn 80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC liên tục được các nhà vàng điều chỉnh. Có những ngày, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tới 4 lần, rơi vào cảnh “sáng tăng, chiều giảm” hoặc ngược lại. Giá vàng miếng “nhấp nhổm” lên xuống khiến những người ôm vàng cũng chẳng thể ngồi yên.

Chỉ trong 1 tuần, giá vàng giảm 2,2 triệu đồng/lượng. Nếu cộng thêm chênh lệch giá mua vào bán ra, người nắm giữ vàng lỗ tới 4,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng liên tục lao dốc trong tuần qua.

Ghi nhận tại một cửa hàng vàng tại quận Ba Đình (Hà Nội), số lượng người đến giao dịch đã tăng đáng kể sau khi NHNN phát đi tín hiệu có thể xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Theo quản lý của tiệm vàng, đa số người đến là để bán vàng miếng SJC.

Chị Thu Hoài (Hà Nội) chấp nhận “cắt lỗ”, bán 3 lượng vàng miếng SJC sau vài ngày suy đi tính lại. “Nghe người ta nói sắp tới vàng miếng SJC không còn độc quyền, giá vàng miếng sẽ giảm mạnh. Sau mấy ngày quan sát, tôi sợ giá vàng miếng sẽ “sập” như cuối năm 2023 nên quyết định bán để mua vàng nhẫn. So với vàng miếng, đầu tư vào vàng nhẫn vẫn có phần an toàn hơn”.

Trước lo ngại liệu làn sóng bán tháo vàng miếng SJC có thể xuất hiện sau đề xuất của NHNN hay không, một chuyên gia về vàng nhận định “điều này hoàn toàn có thể xảy ra”.

“Nếu Nghị định 24 được sửa đổi theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng thì khi đó, giá vàng miếng có thể giảm do nguồn cung tăng lên. Chính vì thế, nhiều người tranh thủ bán vàng miếng, tránh việc giá vàng giảm sâu trong những ngày tới. Điều này cũng tạo nên hiệu ứng FOMO, khiến nhiều người khác cũng bán theo, từ đó dễ tạo làn sóng bán tháo vàng trong ngắn hạn”.

Dự báo về diễn biến của giá vàng trong thời gian tới, vị chuyên gia này cho rằng mức giá hiện tại vẫn chưa phải là “đáy”.

“Dù đã giảm đáng kể nhưng giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới tới 16 triệu đồng/lượng. Chính vì thế, thời gian tới, khi NHNN có thêm những động thái mạnh tay để bình ổn thị trường vàng, giá vàng miếng SJC có thể giảm xuống còn 70 triệu đồng/lượng”, ông nói.

Tuy nhiên, TS Đào Lê Trang Anh, Đại học RMIT Việt Nam khuyến nghị rằng lộ trình mở cửa nguồn cung và xóa bỏ độc quyền vàng SJC nên tiến hành theo từng giai đoạn kèm theo các giải pháp kiểm soát.

Lý giải về điều này, TS Đào Lê Trang Anh cho biết việc mở cửa thị trường vàng miếng cho nhiều thương hiệu tham gia có thể gây ra biến động lớn về giá cả, dẫn đến tình trạng không ổn định và khó dự đoán. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hiệu quả để tránh các rủi ro lên an ninh tiền tệ, tạo ra tình trạng đầu cơ và gây bất ổn cho thị trường vàng, bà nói.

Tin mới lên