Tiêu điểm

Cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm vì thiếu vốn

(VNF) - Thông tin về tiến độ Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nói dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chậm trễ do khó khăn về nguồn vốn đối ứng.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm vì thiếu vốn

Cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM) nói dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Bà đề nghị Bộ trưởng thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành của dự án này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết nguyên nhân chính của việc chậm trễ đối với dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn trong nguồn vốn đối ứng. Trong khi đó, nguồn vốn JICA, ADB không giải ngân được. Việc này dẫn đến khi hiệp định hết hạn không gia hạn được.

Để tháo gỡ, ông Thắng cho biết, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Ủy ban Quản lý vốn và VEC trình Chính phủ, Quốc hội đề xuất phương án tháo gỡ vấn đề tài chính.

Theo ông Thắng, hiện nay các vướng mắc đã được giải quyết. Vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng được Chính phủ cấp, các nhà thầu đã thi công lại. Các đoạn tuyến sử dụng vốn ADB sẽ hoàn thành ngay trong quý 1 và 2, còn hai cây cầu toàn tuyến hoàn thành chậm nhất quý 3/2025.

"Ngồn vốn cơ bản được tháo gỡ, các đơn vị đang phối hợp chuẩn bị chương trình thủ tục, điều chỉnh dự án để tiếp tục", ông nói.

Nói thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nguyên nhân về vốn như Bộ trưởng Thắng nói "chỉ là một phần". Qua thị sát, ông Huệ thấy vướng mắc mấu chốt hiện nay là việc khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi việc thi công phải dừng, nghỉ. Họ yêu cầu đền bù rất nhiều.
"Chưa giải quyết được việc này thì tiến độ dự án còn tiếp tục chậm", ông Huệ lo ngại.

Cung cấp thêm thông tin về cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết dự án này sử dụng vốn OAD nhưng cơ chế phân bổ vốn chưa được thuận lợi. Dự án dừng từ năm 2019, chủ yếu vướng về nguồn vốn.

Theo ông Khái, muốn triển khai dự án này phải có vốn nhưng ngân sách nhà nước không được bố trí mà phải dung nguồn vốn hợp pháp khác, trong khi đàm phán ODA đang gặp khó. Nếu dùng tiền thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thì có cơ chế riêng để đáp ứng trả nợ 5 dự án vay vốn của đơn vị này.

"Tôi nghĩ phải tính toán kỹ cơ chế nguồn vốn, đàm phán với nhà đầu tư để khởi động lại dự án sớm nhất có thể. Chính phủ sẽ tích cực, nỗ lực để có vốn cho dự án này", ông Khái nói.

Tin mới lên