Sau hai năm chống chọi với khó khăn do dịch bệnh, giờ đây doanh nghiệp, trong đó nhóm doanh nghiệp tư nhân rơi vào tình trạng khát vốn trầm trọng.
Ngoài việc đơn hàng và thị trường sụt giảm khiến dòng tiền vào giảm mạnh ở nhiều ngành, các doanh nghiệp (DN) còn gặp thách thức đặc biệt lớn về tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh mùa cuối năm.
Cạn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quang Doãn, Tổng giám đốc Công ty Midico - chuyên sản xuất đế giày, bao bì và túi xách, cho biết: Công ty buộc phải tạm ngừng một số khâu sản xuất và chưa có kế hoạch tái khởi động. Lý do trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, giá cả nguyên vật liệu tăng, lực lượng lao động không đủ và đơn hàng cũng giảm mạnh nên công ty gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Thời gian gần đây chi phí tăng, lãi suất tăng, cộng thêm nguồn vốn từ các kênh bao gồm cả ngân hàng (NH) bị siết lại nên công ty càng khó khăn hơn.
“Trong tình cảnh như vậy, công ty nhận thấy không còn nguồn lực để hoạt động nên đành phải tạm ngừng sản xuất và đang tìm kiếm hoạt động kinh doanh phù hợp hơn”, ông Doãn cho biết.
Lãnh đạo một công ty ngành lương thực, thực phẩm cũng thông tin trước đây lãi suất cho vay ngắn hạn của các NH chỉ dao động 6,5%-7%/năm nhưng nay đã tăng lên 8,5%-9%/năm, thậm chí cao hơn nhiều. Lãi suất cao nhưng hạn mức cho vay thấp hơn, việc giải ngân cũng chật vật khiến công ty cạn vốn để sản xuất, kinh doanh.
Vị lãnh đạo công ty trên nhấn mạnh: “Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền đã cạn kiệt sau hơn hai năm dịch bệnh. Thực sự giai đoạn này chúng tôi chỉ cố gắng để tồn tại chứ chẳng có đồng lời nào”.
Tình trạng thiếu vốn trầm trọng, cộng với thị trường trầm lắng cũng khiến ngành bất động sản đang lao đao. Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Phú Đông Group, nêu thực tế: Đối với công ty bất động sản thì dòng vốn chủ yếu đến từ ba kênh gồm vốn tín dụng, khách hàng và trái phiếu. Giờ đây, cả ba kênh này đều khó khăn, ách tắc. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, mỗi công ty có chính sách khác nhau. Ví dụ, đối với dự án đang triển khai, Phú Đông Group vẫn tiếp cận được vốn vay NH do đây là dự án trung cấp, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.
“Nhìn chung lãi suất cho vay tăng nhưng giá bán sản phẩm không thể tăng, vì thanh khoản thị trường kém mà còn tăng giá thì ai mua. Do đó, chúng tôi buộc phải cắt giảm lợi nhuận. Tóm lại, chúng tôi đang chia sẻ với khách hàng bằng nhiều cách khác nhau để cùng sống” - ông Phúc nói.
Để đảm bảo dòng tiền cũng như để chia sẻ với khách hàng, công ty đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt. Chẳng hạn, khách hàng chỉ cần thanh toán với số vốn ban đầu 20%, sau đó công ty làm hồ sơ để họ vay NH 50% và chủ đầu tư chi trả toàn bộ tiền lãi trên số vốn vay này trong suốt hai năm.
Đến khi nhận nhà, khách hàng nộp thêm 25% giá trị căn hộ. Với lãi suất cho vay tối thiểu đang ở mức 12,5%/năm, sau hai năm, riêng số tiền lãi mà chủ đầu tư phải trả cho một căn hộ rộng 70m2 có giá 2,5 tỷ đồng là trên 300 triệu đồng. Hoặc khách hàng có thể chọn hình thức thanh toán 0,5%/tháng và chúng tôi sẽ giảm giá trực tiếp tương đương với mức lãi suất kể trên. Tức là dù chọn theo hình thức nào thì khách hàng cũng đều được hưởng lợi.
Cần có các giải pháp đặc biệt
Trước khó khăn của cộng đồng DN, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) mới đây có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các thách thức lớn của DN cũng như đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể, theo Ban IV, hiện nhiều công ty phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30%-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo. Đặc biệt, DN thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các NH không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên DN cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.
“DN sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được NH để trả cho DN cung ứng vật liệu” - Ban IV dẫn chứng.
Từ thực tế trên, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN, như chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định 96/2019 của Chính phủ; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Bên cạnh đó, Ban IV cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính, NH Nhà nước tham vấn các chuyên gia tài chính, chính sách uy tín trong nước, quốc tế để đánh giá bối cảnh và nhận diện giải pháp. Trường hợp cần thiết, đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho DN và nền kinh tế. Ví dụ, cho phép các NH thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.
Về chính sách siết tín dụng đối với bất động sản, Ban IV cho rằng cần phải phân tách các loại bất động sản để các loại hình như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất... không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung. Từ đó, tạo cơ hội cho nhiều nhóm DN liên quan vay vốn.
Cố gắng ổn định lãi suất
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, khi các yếu tố đầu vào như chi phí nguyên vật liệu, tỉ giá, chi phí vốn… tăng nên việc triển khai giải pháp hỗ trợ DN có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Chẳng hạn, về phía các NH cần cải thiện thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ thủ tục nhanh hơn, dịch vụ tiện ích hơn, điều chỉnh giảm phí… để giảm chi phí giao dịch nhằm hỗ trợ DN.
“Hiện nay một số NH đang cố gắng chủ động giữ ổn định lãi suất, giảm phí đối với một số DN thuộc chương trình bình ổn… Chia sẻ, hỗ trợ DN trong điều kiện hiện nay sẽ tạo sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho chính mỗi tổ chức tín dụng” - ông Lệnh nhấn mạnh.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.