[Câu chuyện kinh doanh] Unilever bội thu với các thương hiệu ‘sống bền vững’
Trang Lê -
19/12/2017 15:00 (GMT+7)
(VNF) – Unilever đang có những bước đi thông minh hơn trong việc nắm bắt tâm lý người tiêu dùng cũng như "làm đẹp" thương hiệu của mình thông qua chiến lược "Sustainable Living" (Sống bền vững) với nhiều thương hiệu uy tín của hãng, như Hellmann’s, Dove hay Jerry’s, … Những thương hiệu này đã chiếm tới hơn 60% tổng doanh thu của công ty trong năm 2016.
Xuất thân "gốc gác" từ Anh và Hà Lan, Unilever có sở chính tại Rotterdam, Hà Lan và London, Vương quốc Anh. Sản phẩm chính của công ty này bao gồm thức ăn, đồ uống và các sản phẩm chăm sóc cá nhân, hàng tiêu dùng.
Unilever là một trong những công ty hàng tiêu dùng hàng đầu và cũng là nhà sản xuất lương thực lớn nhất thế giới, điển hình như bơ thực vật. Hiện Unilever sở hữu hơn 400 thương hiệu, có mặt trên 190 quốc gia và đạt doanh thu trên 50 tỷ Euro trong năm 2016. Trong đó, có 13 nhãn hiệu có doanh thu hơn 1 tỷ Euro là Axe/Lynx, Dove, Omo, Becel/Flore, kem Heartbrand, Hellmann’s, Knorr, Lipton, Magnum,…
Câu chuyện về "gã khổng lồ" ngành hàng tiêu dùng này được bắt đầu từ thương vụ sáp nhập giữa công ty bơ thực vật Margarine Unie và nhà sản xuất xà phòng Anh, Lever Brothers vào năm 1930.
Hãng tiêu dùng lâu đời nhất nước Mỹ
Lever Brothers được William Hesketh Lever thành lập năm 1885 cùng với người anh trai James. Đây chính là công ty sở hữu thương hiệu Sunlight, loại xà phòng nổi tiếng đầu tiên thế giới.
Ông Lever được biết đến là một nhà cải cách xã hội tiến bộ nhất vào thời điểm đó, với các chiến dịch hướng đến người lao động như ngày làm việc ngắn hơn, chính sách tiết kiệm, thư viện và quyền lợi về sức khỏe cho nhân viên. Ông đã xây dựng hẳn một "ngôi làng" Port Sunlight cho nhân viên nằm bên lề cây cầu ở ngoại ô Liverpool.
Tiền thân của Unilever, Lever Brothers với thương hiệu xà phòng nổi tiếng đầu tiên thế giới - Sunlight.
"Đế chế" của Lever bắt đầu từ một xưởng sản xuất xà phòng. Nhưng đến năm 1917, ông quyết định đa dạng hóa ngành hàng hơn và bắt đầu sản xuất thêm thực phẩm đóng hộp và kem.
Năm 1930, Lever lựa chọn Margarine Unie làm đối tác sáp nhập. Công ty này đã phát triển mạnh mẽ hơn sau khi sáp nhập với các công ty bơ thực vật khác vào những năm 1920. Nguyên nhân của thương vụ này vô cùng đơn giản: Chất béo động vật – nguyên liệu chính cho cả bơ và xà phòng.
Unilever ngày càng mở rộng các ngành hàng và thương hiệu.
Sau khi sáp nhập, công ty mới đã bắt đầu hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong nửa sau của thế kỷ 20, Unilever ngày càng đa dạng hóa sản phẩm làm từ dầu và chất béo, cũng như mở rộng hoạt động trên toàn thế giới. Unilever đã mua lại Lipton (1971), Brooke Bond (1984), Chesebrough-Ponds (1987), Best Food (2000), Ben & Jerry’s (2000), Alberto-Culver (2010) và Câu lạc bộ Dollar Shave (2016).
Năm 2015, dưới sự lãnh đạo của Paul Polman, Unilever bắt đầu chuyển dần sang tập trung vào các thương hiệu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, đồng thời loại bỏ và tránh xa các thương hiệu thực phẩm đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm.
"Sống bền vững" với Unilever
Bằng cách truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống – "Sustainable Living" (Sống bền vững) thông qua các dòng sản phẩm của mình, Unilever đang ngày càng "bội thu" cả danh tiếng lẫn lợi nhuận.
Những thương hiệu này ngày càng trở nên quan trọng hơn trong hoạt động kinh doanh của Unilever, tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các thương hiệu còn lại và chiếm hơn 60% doanh thu trong năm 2016.
Unilever đang tích cực cải thiện quy trình sản xuất nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên, đồng thời có những tác động tốt tới xã hội. Những nhãn hiệu "Sustainable Living" của Unilever đang đi đầu trong phong trào mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người, kết hợp mục đích xã hội lành mạnh và thân thiện với môi trường thiên nhiên.
Unilever sống khỏe hơn với các thương hiệu "sống bền vững".
Trong năm 2016, 18 trong số 40 thương hiệu hàng đầu của Unilever được xem là đáp ứng đủ tiêu chí của "Sustainable Living" (Sống bền vững), con số này đã tăng hơn nhiều so với 12 năm trước.
Unilever cho biết, các thương hiệu Lifebuoy, Ben & Jerry’s, Dove và Hellmann’s đang dẫn đầu danh sách "Sustainable Living" và đạt mức tăng trưởng và doanh số cao nhất trong 6 năm qua. Theo sau là các thương hiệu Lynx, Broole Bond và Surf.
"Chúng tôi đã có những bước tiến bộ lớn trong thời gian gần đây", Giám đốc điều hành của Unilever, Paul Polman, cho biết, "kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trở lại trong nhiều tháng liền đã chứng minh điều này, và các thương hiệu mang tinh thần "Sống bền vững" ngày càng mang đến nhiều điều tốt đẹp hơn cho Unilever".
"Chúng tôi đã có những bước tiến bộ lớn trong thời gian gần đây", Giám đốc điều hành của Unilever, Paul Polman.
"Chiến lược "Kế hoạch Sống bền vững của Unilever" (Unilever’s Sustainable Living Plan) đã cứu công ty này trên đà chững lại trong cuộc chiến hàng tiêu dùng khốc liệt như hiện tại. Không chỉ giúp Unilever "làm đẹp" tên tuổi thương hiệu, tăng cường chuỗi cung ứng, giảm rủi ro, chi phí và xây dựng niềm tin trong kinh doanh mà còn tiếp thêm sức mạnh cho công ty này trong việc thực hiện sứ mệnh phục vụ xã hội và người tiêu dùng, từ đó, tạo thêm giá trị cho cuộc sống".
Ngoài ra, Unilever cũng không ngần ngại chi mạnh tay cho hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thói quen và hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Những nghiên cứu này chỉ ra hơn một nửa số người tiêu dùng có thiện chí mua và sử dụng những thương hiệu thân thiện với cuộc sống. Một phần ba (33%) đã mua các sản phẩm này, còn lại 21% có mong muốn những chưa thực hiện.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone