CEO Ford Việt Nam: 'Việc bán 'bia kèm lạc' không được khuyến khích trong hệ thống đại lý'

Lê Ngà - 29/08/2022 11:33 (GMT+7)

(VNF) - Ông Ruchik Shah, Tổng giám đốc (CEO) Ford Việt Nam cho biết: "Việc các đại lý bán “bia kèm lạc” không được khuyến khích trong hệ thống và chúng tôi sẽ cố gắng không để cho khách hàng trả thêm khoản phí nào".

VNF
Ông Ruchik Shah, Tổng giám đốc Ford Việt Nam.

- Hiện nay các sản phẩm hot của hãng như Ford Everest, Ranger, Explorer đang rơi vào tình trạng bán “bia kèm lạc” tại các đại lý. Về việc này, phía Ford Việt Nam có nắm được thông tin không, thưa ông?

Ford luôn luôn cam kết đối đãi tốt với tất cả khách hàng như là gia đình. Chúng tôi có thể minh bạch về thông tin thứ tự đặt hàng của khách hàng và sẽ cố gắng không để cho khách hàng trả khoản phí nào.

Chúng tôi luôn khuyến khích đại lý là minh bạch thông tin với khách hàng về thời gian đặt hàng, giao hàng cũng như là thời điểm chính xác mà họ có thể nhận xe.

Tôi xin nhắc lại một lần nữa, việc bán “bia kèm lạc” không được khuyến khích trong hệ thống của chúng tôi.

- Một mẫu xe rất được khách hàng trong nước quan tâm hiện nay là Territory. Trước khi được mở bán chính thức tại Việt Nam, mẫu xe này tại các thị trường khác được đón nhận thế nào, thưa ông?

Năm 2022 là mốc thời gian Ford Việt Nam chọn để thực hiện cam kết thay đổi chiến lược từ tập đoàn. Trong năm nay, chúng tôi sẽ ra mắt 5 sản phẩm mới quan trọng, hiện chỉ còn mẫu xe Teritory chưa lộ diện. Điều này cho thấy tính chiến lược lâu dài trong phát triển bền vững ở Việt Nam của Ford khi đưa ra các sản phẩm phù hợp, cũng như có sự tiếp cận mới với khách hàng để giữ vững vị thế của mình trên thị trường.

Ford Teritory hiện đang được chào đón rất nồng nhiệt ở các thị trường khác ngoài Việt Nam. Mẫu xe này đang được bán tại 45 thị trường trên thế giới và Teritory là sản phẩm bán chạy nhất tại hai thị trường Mexico và Bzazil.

Cách đây 2 năm (năm 2020), Philippines là thị trường đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đón nhận mẫu xe Territory. Tính đến thời điểm hiện tại, Territory là mẫu xe dẫn đầu ở phân khúc SUV hạng trung cỡ nhỏ tại đây.

- Tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm của hãng tại nhà máy Ford Hải Dương thế nào, thưa ông?

Ford Hải Dương là một trong những nhà máy sản xuất hỗn hợp nhiều dòng xe và chúng tôi đang sản xuất nhiều dòng xe toàn cầu tại đây. Chính vì vậy, tỷ lệ nội địa hoá cho từng dòng xe là khác nhau.

Vấn đề ở đây là cách tính tỷ lệ nội địa hoá. Ford tính theo một kiểu, trong khi quy định của Nhà nước tính theo kiểu khác, nhóm ASEAN lại tính theo một cách tính khác, cho nên rất khó để nói rằng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm của chúng tôi là 10% hay 40%.

Hiện nay Ford đang tối ưu hoá sản xuất tuỳ vào từng dòng xe nhưng vẫn tuân thủ theo tiêu chuẩn toàn cầu của nhà sản xuất.

- Cuộc khủng hoảng chip vẫn chưa kết thúc và đang khiến nhiều hãng ô tô trên thế giới phải tạm ngừng sản xuất, hoặc cắt giảm sản lượng. Thực trạng của Ford thế nào, thưa ông?

Vấn đề về nguồn cung linh kiện để sản xuất, lắp ráp các mẫu xe của Ford toàn cầu đã được cải thiện từ đầu năm ngoái.

Thời điểm đó, khi dịch Covid-19 chững lại, Ford đã tìm được nhà cung cấp mới, các nhà máy mới sản xuất riêng linh kiện cho sản xuất chip toàn cầu của chúng tôi. Tình hình nhà máy sản xuất tại Ford Hải Dương cũng đã được cải thiện.

Bán tải Ranger là hiện là mẫu xe chủ lực của Ford Việt Nam

- Theo ông, dung lượng từ thị trường có yếu tố quyết định như thế nào đến việc mở rộng nhà máy sản xuất của các hãng ô tô trong nước, đơn cử như Ford Việt Nam đã đầu tư 80 triệu USD để nâng cấp nhà máy lắp ráp?

Tôi cho rằng việc đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư, mở rộng nhà máy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là dung lượng thị trường. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng quan trọng không kém như chính sách tại đất nước đó, kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

Khi chúng ta xác định được dung lượng thị trường (market volume) hay quy mô thị trường, nghĩa là có thể dự đoán được tổng lượng hàng hóa bán ra hay tổng lượng khách hàng mua hàng, nhà kinh doanh có thể xác định doanh thu tiềm năng mà doanh nghiệp của mình có thể đạt được trước khi đưa ra bất cứ quyết định đầu tư nào.

- Nhiều hãng xe trong nước đang mở rộng vào lĩnh vực ở mảng xe hybrid, xe điện, Ford Việt Nam có tính đến việc sẽ “tham chiến” ở lĩnh vực này không, thưa ông?

Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN và dẫn đầu trong nhóm các nước trên thế giới về tốc độ tăng trưởng và phát triển.

Sau khi dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát và nền kinh tế đang dần quay lại quỹ đạo, thị trường của chúng tôi từ đầu năm 2022 đến nay ghi nhận mức tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi rất phấn khích với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam và tin tưởng về tiềm năng phát triển trong tương lai ở thị trường Việt Nam.

Hiện nay, Ford toàn cầu đã có những chiến lược đầu tư vào vấn đề “xanh hoá” và chúng tôi cũng đang cân nhắc việc sẽ phát triển lĩnh vực này thị trường Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là ngày càng mang đến nhiều sản phẩm phù hợp thị trường Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là một trong 4 thị trường trọng điểm của chúng tôi, được tăng cường hỗ trợ về nguồn lực, chiến lược marketing và sản phẩm. Đây là tiền đề quan trọng cho Ford Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai.

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường ô tô trong nước trong các tháng cuối năm?

Quý IV luôn là quý bán hàng tốt nhất trong nghành ô tô. Đây là quý bùng nổ nhất không chỉ riêng với Ford mà còn là quý toả sáng đối với các hãng xe trong nước khác. Mặc dù khó khăn về mặt cung ứng nhưng chúng tôi hy vọng quý IV sẽ là quý tốt nhất của năm 2022.

- Dịp cuối năm, nhu cầu người tiêu dùng tăng vọt, Ford Việt Nam có kế hoạch về nguồn cung thế nào, thưa ông?

Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu trong quản trị kinh doanh của tôi tại thị trường Việt Nam, đó là làm sao có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng của Ford được tốt nhất.

Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để có được nguồn cung tốt nhất.

Cùng chuyên mục
Tin khác