Bất động sản

CEO Phú Đông Group: ‘Không phải vốn, quỹ đất mới là khó khăn lớn nhất của nhà đầu tư’

(VNF) - Tại hội thảo “Nhận diện lực đẩy phát triển thị trường bất động sản vùng TP. HCM mở rộng năm 2021”, vấn đề về tiến độ triển khai quy hoạch vùng TP. HCM điều chỉnh cũng như sự tác động đến thị trường bất động sản đã được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra thảo luận. 

CEO Phú Đông Group: ‘Không phải vốn, quỹ đất mới là khó khăn lớn nhất của nhà đầu tư’

CEO Phú Đông Group: ‘Không phải vốn, quỹ đất mới là khó khăn lớn nhất của nhà đầu tư’.

Ở vị trí là đại diện các nhà đầu tư, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng hiện nay, vấn đề về vốn không phải là khó khăn của nhà đầu tư mà khó khăn lớn nhất là quỹ đất để thực hiện các dự án bất động sản.

Theo ông Phúc, thời gian qua giá đất tăng cao, việc quy hoạch các quỹ đất phù hợp để thực hiện các dự án vẫn còn nhiều bất cập, do đó, để hài hòa được vấn đề này nhà nước cần quy hoạch cụ thể từng khu vực, đặc biệt thu hồi đất để tạo ra các quỹ đất lớn sau đó đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện

Ông Phúc cũng nhấn mạnh về sự bất cập từ thủ tục pháp lý, nhà nước. Theo Tổng giám đốc Phú Đông Group, cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể thực hiện các dự án nhanh hơn, qua đó, giải quyết được vấn đề thiếu nguồn cung nhà ở hiện nay.

Trả lời TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư về vấn đề khúc mắc trong việc huy động tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng giao thông, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), khẳng định nguồn lực dành cho giao thông cần rất lớn, mỗi nhà nước đứng ra làm thì rất khó.

“Nguồn vốn trung hạn (2021-2025) dành cho giao thông là khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Hành lang pháp lý hiện nay đã có Luật Đầu tư công, Luật PPP nhưng rất tiếc luật PPP đã bỏ hình thức BT ra khỏi luật khiến chỉ những hình thức như BOT, PPP khó kêu gọi nguồn lực. Hỏi các đại gia dễ dàng nhận được cái lắc đầu khi mời gọi hợp tác PPP”, ông nói.

Đại diện Bộ GTVT cũng khẳng định giao thông là nhu cầu công cộng, không phải là thu lợi riêng. Do vậy, nguồn vốn cần được xã hội hoá với nhu cầu lớn.

“Hiện nay, các đường vành đai cũng kêu gọi nhà đầu tư tham gia với nhiều hình thức giải pháp phù hợp để cả nhà nước-nhà đầu tư - người dân đều có lợi. Bộ GTVT sẽ ngồi lại với các nhà đầu tư quan tâm dành nguồn lực để lắng nghe và tìm ra các hình thức khác nhau, phù hợp để hợp tác. Bộ GTVT có cơ chế chính sách rộng mở để kêu gọi nhà đầu tư vào những dự án có tính khả thi cao”, ông Mười nói.

Liên quan đến vấn đề kêu gọi vốn đầu tư cho các hạ tầng giao thông, tiếp tục phần tham luận, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho hay các nhà đầu tư đặt kỳ vọng rất lớn vào Luật PPP, nhưng nghị định Bộ Tài chính vừa ban hành đang vấp phải nhiều ý kiến "than phiền" và cho rằng bất bình đẳng. Vấn đề được nhiều ý kiến đề cập đó là việc huy động vốn nước ngoài về phát triển hạ tầng giao thông nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia.

Trả lời câu hỏi này, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng nếu huy động vốn FDI, nguy cơ lớn nhất sẽ gặp phải là sự chậm trễ, kéo theo đó là việc đội vốn.

Do đó, điều quan trọng nhất của việc điều hành hiện nay, theo ông Nguyễn Mại, đó là khắc phục tình trạng chậm trễ từ cấp phép, triển khai, giải phóng mặt bằng, tính toán chi phí hiệu quả,... để nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ.

“Đây là cả câu chuyện dài. Và để thực thi là câu chuyện muôn thuở. FDI đến giờ đã thất bại trong BOT, PPP và càng thất bại trong việc đầu tư vào các hạ tầng giao thông. Đơn cử, đó là trường hợp nhà đầu tư IL&FS (Ấn Độ) đã bày tỏ sự quan tâm đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Cho dù đã thương lượng gần xong, nhưng việc vướng mắc nhiều vấn đề đã khiến dự án không thể bán được”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

“Nghị định BOT đầu tiên ra đời vào năm 1993, sau đó 5 năm thì Luật PPP ra đời, nhưng cuối cùng cũng không để làm gì, vì không giải đáp được quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Nếu chúng ta không có tư duy đổi mới, không nghe các phản biện trái tai, chúng ta không thể sửa những lỗi cơ bản. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia không chỉ giao thông đường bộ, mà còn đường sắt, cảng hàng không. Nếu chúng ta có luật hợp lý hơn, công khai minh bạch hơn, đảm bảo lợi ích chính đáng thì cả nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ muốn góp vốn thực hiện các dự án với nhà nước”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Tin mới lên