Chân dung đại gia kín tiếng đứng sau vụ đầu tư trăm tỷ vào Cấp nước Đà Nẵng

Phước Nguyên - 08/07/2023 00:11 (GMT+7)

(VNF) - Ông Đặng Thanh Bình người đại diện 20.286.744 cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung tại Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng được biết đến là 1 đại gia kín tiếng. Ông Bình hiện đang là Chủ tịch hàng loạt công ty lớn về đầu tư, xây dựng và ngành nước.

VNF
Đai gia kín tiếng sở hữu 20,286,744 cổ phiếu của Cấp nước Đà Nẵng là ai?. Ảnh: Phước Nguyên

Nắm ghế chủ tịch loạt DN lớn

Sau khi cổ phần hoá và chuyển đổi mô hình hoạt động, HĐQT Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng có 5 người là: ông Hồ Hương (Chủ tịch HĐQT); ông Đặng Thanh Bình (Phó chủ tịch HĐQT); ông Lê Đức Quý; ông Hồ Minh Nam; ông Nguyễn Trường Ảnh.

Trong đó, ông Đặng Thanh Bình là người đại diện 20.286.744 cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung tại Cấp nước Đà Nẵng.

Được biết, ngoài Cấp nước Đà Nẵng, ông Đặng Thanh Bình có liên quan đến một số doanh nghiệp trong ngành này như: Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum, Công ty cổ phần Cấp nước Vĩnh Long.

Ông Đặng Thanh Bình (sinh ngày 1/1/1963) quê tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, ngoài vị trí Phó chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, ông Bình còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Sài gòn - Đà Nẵng; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa cao cấp Đà Nẵng - Miền Trung; Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình giao thông Đà Nẵng.

Ông Bình bắt đầu sự nghiệp của mình tại HTX Nông nghiệp II tại quê nhà (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc , tỉnh Quảng Nam) vào năm 1983 - 1988 và sau đó giữ chức Trưởng ban tuyên huấn xã Đại Nghĩa rồi chuyển sang làm Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ Tổng hợp xã Đại Nghĩa. Đến năm 1991, ông được bầu làm Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa.

Từ năm 1996 đến 2000, ông Đặng Thanh Bình giữ chức Phó trưởng ban - Ban quản lý các Dự án Đầu tư xây dựng huyện Đại Lộc; rồi lên Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam.

Từ năm 2000, đại gia này chuyển sang làm giám đốc Công ty Phát triển và khai thác Hạ tầng KCN Đà Nẵng. Từ năm 2007-2016, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sài gòn - Đà Nẵng; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa cao cấp Đà Nẵng - Miền Trung; Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình giao thông Đà Nẵng. 

Tháng 11/20216, Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung mua cổ phần của Cấp nước Đà Nẵng và ông Bình trở thành Phó chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp nhà nước được CPH này cho đến nay.

Đà Nẵng - Miền Trung làm ăn ra sao khi đầu tư vào Cấp nước Đà Nẵng?

Giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của Đà Nẵng – Miền Trung trồi sụt khá mạnh, từ 1.253 tỷ đồng sụt xuống 1.028 tỷ đồng rồi lại tăng lên 1.369 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn, tập trung tại các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho với tỷ trọng trong tổng tài sản lần lượt các năm là: 62%, 42% và 53%.

Đáng chú ý, công ty dành khá nhiều tài sản để đầu tư tài chính dài hạn với giá trị tăng đều đặn qua các năm: 290 tỷ đồng (2017), 385 tỷ đồng (2018) và 447 tỷ đồng (2019).

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung dao động từ 747 tỷ đồng (2017) giảm sâu xuống 436 tỷ đồng (2018) rồi tăng lên 612 tỷ đồng (2019).

Trong cơ cấu nợ phải trả, điểm “lạ” là khoản “doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn” liên tục duy trì giá trị 298 tỷ đồng trong suốt giai đoạn nêu trên. Trong khi đó, công ty xuất hiện khoản nợ vay ngắn hạn trị giá 76 tỷ đồng vào năm 2019, còn khoản vay dài hạn đã được tất toán trong cùng năm.

Trong năm 2019, Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung đã tăng vốn điều lệ từ 255 tỷ đồng lên 265 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận tích lũy, vốn chủ sở hữu của công ty trở nên khá dày dặn, cao gấp 2 – 3 lần vốn điều lệ, lần lượt các năm 2017 – 2019 là: 506 tỷ đồng, 592 tỷ đồng và 765 tỷ đồng.

Dữ liệu về hoạt động kinh doanh của Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung cho thấy, trong cùng giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu thuần của Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung suy giảm, từ 533 tỷ đồng xuống 467 tỷ đồng rồi xuống tiếp 232 tỷ đồng, tức trong 3 năm, doanh thu thuần giảm tới 56%. Đà suy giảm của doanh thu đã kéo theo lợi nhuận gộp giảm mạnh tương ứng, từ 283 tỷ đồng xuống 252 tỷ đồng rồi chỉ còn 179 tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh là doanh thu tài chính tăng đáng kể trong cùng giai đoạn, từ 10 tỷ đồng lên 58 tỷ đồng và chi phí bán hàng giảm mạnh. Điều này đã giúp lãi trước thuế neo ở mức cao, lần lượt các năm là: 217 tỷ đồng, 243 tỷ đồng và 195 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2017 – 2018, Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung duy trì dòng tiền kinh doanh rất tốt với giá trị dương 312 tỷ đồng và 239 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2019, công ty chứng kiến dòng tiền kinh doanh âm tới 68 tỷ đồng khiến lưu chuyển tiền thuần năm này âm 9 tỷ đồng. Điều này khiến lượng tiền và tương đương tiền chỉ còn 9 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước đó và giảm tới 4 lần nếu so với năm 2016.

Đáng nói, đây cũng không phải năm duy nhất Đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung bị âm dòng tiền thuần. Năm 2017, dòng tiền thuần cũng âm tới 26 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác