Chân dung Hải Phát Invest – ‘ông lớn’ BĐS vốn hóa 4.000 tỷ chuẩn bị lên sàn HoSE

Thanh Long - 11/07/2018 09:59 (GMT+7)

(VNF) - Hải Phát Invest đang thực hiện hàng loạt dự án với tổng mức đầu tư lên đến trên 37.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đối ứng từ việc thực hiện các hợp đồng BT chiếm tới 3/4 tổng mức đầu tư trên.

VNF
Hải Phát Invest đang thực hiện hàng loạt dự án với tổng mức đầu tư lên đến trên 37.000 tỷ đồng.

Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) mới đây đã đưa ra thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu HPX của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest).

Cụ thể, 150 triệu cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest sẽ chính thức lên sàn HoSE vào ngày 24/7 với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 26.800 đồng/cổ phiếu.

Ngay khi lên sàn, giá trị vốn hóa của Hải Phát Invest sẽ đạt 4.020 tỷ đồng và có thể tăng lên 4.824 tỷ đồng sau ngày giao dịch đầu tiên, nếu cổ phiếu HPX tăng kịch trần 20%.

Về cơ cấu cổ đông, ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest hiện đang sở hữu 60 triệu cổ phiếu HPX, tương đương tỷ lệ sở hữu 40%. Nếu tính theo giá chào sàn, lượng tài sản tại Hải Phát Invest của ông Đỗ Quý Hải có trị giá trên 1.600 tỷ đồng.

Hai cổ đông lớn khác là bà Chu Thị Lương (vợ của ông Đỗ Quý Hải) và tổ chức Vietnam Enterprise Investments Limited lần lượt sở hữu 12 triệu và 13 triệu cổ phiếu HPX, tương đương tỷ lệ sở hữu 8% và 8,73%.

Doanh thu tài chính ‘cứu’ tăng trưởng lợi nhuận 2017

Năm 2017, doanh thu thuần của Hải Phát Invest đạt 1.080 tỷ đồng, giảm tới 40% so với năm 2016.

Mặc dù tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần của Hải Phát Invest giảm đáng kể từ mức 80% năm 2016 xuống 73,8% năm 2017, nhưng do doanh thu thuần giảm quá mạnh nên lợi nhuận gộp vẫn giảm 22%, xuống còn 283 tỷ đồng.

Dù vậy, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Hải Phát Invest vẫn đạt 402 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2016. Nguyên nhân là do năm qua, Hải Phát Invest bất ngờ ghi nhận tới 306 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong khi năm 2016 chỉ 10 tỷ đồng.

Khoản doanh thu đột biến hơn 300 tỷ trên là đến từ tiền lãi bán các khoản đầu tư.

Cụ thể, theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 549/2017/HĐCN ngày 23/10/2017, Hải Phát Invest chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát 49% vốn điều lệ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Hải Phong (tương đương 147 tỷ đồng).

Phần vốn góp này nằm trong 70% phần vốn góp của Hải Phát Invest góp khi thành lập doanh nghiệp tại Hải Phong. Tổng giá trị hợp đồng là 313 tỷ đồng; lãi từ chuyển nhượng là 273 tỷ đồng.

Cùng với đó, theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 584/2017/HĐCN ngày 30/10/2017, Hải Phát Invest chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thành Nhân 8% vốn điều lệ Hải Phong (tương đương 24 tỷ đồng). Tổng giá trị hợp đồng là 37,2 tỷ đồng; lãi từ chuyển nhượng là 30,7 tỷ đồng.

Nếu không kể đến các khoản doanh thu đột biến này, lợi nhuận năm 2017 của Hải Phát Invest chỉ bằng một nửa năm 2016.

Hàng loạt dự án đang thực hiện với tổng mức đầu tư trên 37.000 tỷ

Thực tế, số lượng các dự án đã hoàn thành của Hải Phát Invest không nhiều, chỉ 4 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng.

Có thể kể đến như Dự án Khu đô thị Văn Phú (Hải Phát là nhà đầu tư cấp 2) tại quận Hà Đông, Hà Nội với tổng mức đầu tư (TMĐT) 650 tỷ; Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô (Hải Phát là nhà đầu tư cấp 2) tại huyện Đan Phượng, Hà Nội với TMĐT 1.590 tỷ; Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ THE PRIDE (TTDV 02) Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội với TMĐT 3.260 tỷ và Dự án khu nhà phố thương mại 24h Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội với TMĐT 710 tỷ.

Tuy nhiên, nếu xét về các dự án đang thực hiện, Hải Phát Invest gây ấn tượng với tổng mức đầu tư lên đến trên 37.000 tỷ đồng. Trong đó, điểm nhấn là các dự án đối ứng từ việc thực hiện các hợp đồng BT.

Cụ thể, với việc thực hiện Dự án các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức BT với TMĐT 1.960 tỷ đồng, Hải Phát Invest được thực hiện các dự án đối ứng với TMĐT lên đến 10.800 tỷ đồng.

Các dự án này bao gồm: Dự án khu nhà ở Phú Lãm với TMĐT 1.585 tỷ; Dự án khu nhà ở cao tầng Kiến Hưng với TMĐT 1.028 tỷ; Dự án khu chức năng đô thị Kiến Hưng với TMĐT 1.420 tỷ; Dự án khu đô thị Bắc Lãm với TMĐT 4.653 tỷ; Dự án khu nhà ở Dương Nội với TMĐT 389 tỷ; Dự án khu nhà ở Hà Cầu với TMĐT 1.721 tỷ.

Thứ hai là Dự án BT các tuyến đường giao thông tại trục đường phía Nam tỉnh Hà Tây cũ với TMĐT 7.577 tỷ. Đối ứng cho các dự án BT này là Dự án khu đô thị Mỹ Hưng tại huyện Quốc Oai, Hà Nội với TMĐT lên đến 17.075 tỷ.

Như vậy, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng lên tới trên 27.800 tỷ đồng.

Một số dự án khác mà Hải Phát Invest đang thực hiện gồm: Dự án The Vesta (Khu nhà ở xã hội Phú Lãm), phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội với TMĐT 1.756 tỷ; Dự án Khu đô thị mới Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội với TMĐT 1.082 tỷ; Dự án HPC Landmark 105 (Dự án tòa nhà CT2 – 105 Usilk City thuộc lô đất CT2 Khu đô thị Văn Khê mở rộng, phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) với TMĐT 1.510 tỷ.

Cùng với đó là Dự án Roman Plaza (Dự án Hải Phát Plaza), đường Tố Hữu, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội với TMĐT 2.700 tỷ; Dự án BEA SKY (Toà nhà Đại Đông Á), Khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội với TMĐT 793,5 tỷ; Dự án HaNoi Homeland, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội với TMĐT 1.418 tỷ; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng tại ô đất TT14 đến TT19, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội với TMĐT 345 tỷ.

Cùng chuyên mục
Tin khác