'Chất lính nơi thương trường': Những doanh nhân Việt trưởng thành qua quân ngũ
(VNF) - Trưởng thành từ quân đội, những doanh nhân này đã mang theo "chất lính" tới thương trường và gây dựng nên những "cơ ngơi" đồ sộ, làm giàu cho quê hương.
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh
Ông Dương Công Minh, sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, được xem là những gương mặt tiêu biểu đại diện cho tâm thế của “người lính” trên thương trường. Có cha là liệt sĩ hy sinh tại mặt trận phía Nam, sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật Giá tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân), ông Minh nhập ngũ với một tâm nguyện là nối chí bố, sẵn sàng ra trận để bảo vệ Tổ quốc.
Giữa năm 2022, phát biểu tại một sự kiện, ông Minh từng chia sẻ về lý do rời quân ngũ để bước vào “mặt trận” kinh tế: “…Đất nước đã vào thời kỳ hoà bình, tập trung phát triển kinh tế để xây dựng tổ quốc Việt Nam ngày một tươi đẹp hơn, nên sau gần 3 năm tôi đã rời quân ngũ với quân hàm Trung uý và một tâm thế người lính để đi vào thương trường – một chiến trường mới trên mặt trận kinh tế”.
Trên thương trường, con đường mà ông Minh đã đi cũng không hề bằng phẳng. Thất bại trong thương vụ xuất khẩu xoài sang Trung Quốc, ông mất sạch tài sản và buộc phải bán nhà trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà, ông Dương Công Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty CP Him Lam, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn tại Việt Nam hiện nay.
Ngay cả cái tên mà ông Minh chọn đặt cho tập đoàn của mình cũng mang đầy “chất lính”: “Đây là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chúng tôi muốn công ty của mình cũng gây được tiếng vang như thế trong tương lai”.
Him Lam sau này không chỉ dừng lại ở bất động sản mà còn lấn sân sang lĩnh vực tài chính khi từng nắm giữ vốn tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (nay là LPBank).
Năm 2017, ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank trong bối cảnh ngân hàng này đang gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn tái cơ cấu.
Vào tháng 1/2018, ông Dương Công Minh trở thành lãnh đạo ngân hàng đầu tiên rời cương vị lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác nhằm đáp ứng Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, ông đã chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty gồm: Công ty CP Him Lam, Công ty CP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty CP Phát triển Xín Mần, Công ty CP Chứng khoán Liên Việt.
Dưới sự lãnh đạo của ông, sau giai đoạn 2015-2017 đầy sóng gió, Sacombank đã vươn lên mạnh mẽ. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này liên tục tăng mạnh và đạt mức kỷ lục 7.700 tỷ đồng vào năm 2023.
“Nữ tướng” REE Corp Nguyễn Thị Mai Thanh
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ra trong một gia đình quân đội tại Trảng Bàng, Tây Ninh, có cha là Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1968, khi mới 16 tuổi, bà gia nhập quân ngũ và đảm nhận vai trò dược tá tại Sư đoàn 9, hoạt động chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Sáu năm phục vụ trong quân ngũ đã tạo nên một Nguyễn Thị Mai Thanh đầy ý chí và tinh thần nghị lực, nền tảng cho sự nghiệp sau này của bà.
Năm 1973, bà Mai Thanh được cử ra miền Bắc học văn hóa, chuẩn bị cho giai đoạn học tập chuyên sâu tại nước ngoài. Năm 1982, trở về nước, bà gia nhập Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (TP. Hồ Chí Minh) - tiền thân của REE Corp sau này.
Sau hai năm làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Mai Thanh đã chứng minh thực lực của mình trong mắt ban lãnh đạo khi lắp đặt thành công hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hoà Bình và được đề nghị “kế vị” chức Giám đốc xí nghiệp chỉ một năm sau đó. Ở tuổi 33, bà quản lý 200 con người, chấp nhận đối mặt với một loạt khó khăn, trong đó có việc dàn nhân sự cấp trưởng, phó phòng đồng loạt xin nghỉ việc, kho hàng vật tư trống rỗng, tài khoản ngân hàng không có một đồng.
Để có tiền “nuôi quân”, “nữ tướng” khi ấy đã quyết định lập hồ sơ vay vốn ngân hàng để nhập tủ lạnh cũ, tân trang bán lại kiếm lời, lần hồi, cầm cự vượt qua cuộc khủng hoảng tiền lương trầm trọng trong thời kỳ đổi mới năm 1986.
Sau đó, bà Mai Thanh cùng REE Corp bắt đầu ghi dấu trên thương trường với vai trò tiên phong, gắn liền với nhiều “cái đầu tiên”: là doanh nghiệp đầu tiên tiến hành cổ phần hóa (năm 1993); là doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi nước ngoài (năm 1997) và là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán (năm 2000). Trong những năm đầu tiên, khi số lượng doanh nghiệp niêm yết còn ít, cổ phiếu REE là một trong những mã “có số có má” nhất trên thị trường.
Bản lĩnh của “nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Thanh còn được thể hiện ở chỗ, mỗi khi REE bị dồn vào thế chân tường, bà lại tìm ra một hướng đi mới. Ví dụ như việc tái cấu trúc, gia nhập thị trường địa ốc để “thoát” khỏi dư chấn từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998; cắt bỏ các khoản đầu tư tài chính, dốc nguồn lực đầu tư chiến lược vào hạ tầng tiện ích để phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2008;… Kể từ sau khoản lỗ hơn 150 tỷ đồng vào năm 2008, doanh nghiệp của bà Mai Thanh chưa từng có thêm một lần thua lỗ nào.
Sự nghiệp của bà Mai Thanh không chỉ được ghi nhận ở Việt Nam mà còn được quốc tế công nhận. Năm 2014, bà được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Năm 2019, bà tiếp tục được xướng tên trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Sau hơn 31 năm chèo lái REE Corp, bà chuyển giao vai trò Chủ tịch cho ông Alain Xavier Cany nhưng vẫn giữ vị trí Tổng Giám đốc, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của tập đoàn.
Đại gia Dũng “lò vôi”
Sinh năm 1961, ông Huỳnh Uy Dũng là một người con của đất võ Bình Định. Chưa học hết lớp 12, ông đã nhập ngũ, tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5 và Quân khu 7. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông chuyển về công tác ở phòng hậu cần Công an Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé.
Xuất ngũ, ông Huỳnh Uy Dũng mở lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Công việc làm ăn phát đạt đã cho ông biệt danh Dũng “lò vôi”, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường kinh doanh vị đại gia này.
Say này, khi việc kinh doanh vôi đi xuống, ông Dũng bán lò vôi, chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ thuộc tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương.
Đến năm 1996, doanh nhân tuổi Sửu Dũng "lò vôi" thành lập Công ty Cổ phần phát triển Khu Công Nghiệp Thanh Lễ - tiền thân của Công ty CP Đại Nam và trở thành người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam.
Đến nay, ông sở hữu trong tay nhiều bất động sản và tài sản “khủng” như: Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Tuy nhiên, khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) mới là công trình đưa tên tuổi ông Dũng vượt xa khỏi đất Bình Dương.
Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của ông Dũng có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nếu cổ phần hóa Công ty CP Du lịch Đại Nam. Tuy nhiên, đại gia này từng chia sẻ trên báo chí rằng bản thân không quá để tâm đến tiền mà chỉ coi đó vật ngoài thân. Tháng 5/2020, ông Dũng công bố rút khỏi thương trường, nhường hết quyền điều hành tại Xây dựng Đại Nam cho vợ là bà Nguyễn Phương Hằng để quy y.
Dù vậy, hiện nay trên website chính thức của Công ty CP Đại Nam, ông Huỳnh Uy Dũng vẫn giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải
Ông Nguyễn Tuấn Hải, sinh năm 1965 tại Lào Cai, bắt đầu sự nghiệp với vai trò chiến sĩ tại Bộ Tư lệnh Biên phòng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông bước vào thương trường với sự khởi đầu khiêm tốn, tập trung vào kinh doanh vàng bạc đá quý và dịch vụ khách sạn. Năm 1995, ông thành lập Công ty TNHH Alphanam, khởi đầu với ngành nghề sản xuất tủ điện.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Alphanam nhanh chóng phát triển thành một tập đoàn đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản và lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, chặng đường này không hề bằng phẳng.
Giai đoạn 1999-2000, công ty đối mặt với nguy cơ phá sản do thị trường biến động. Ông Nguyễn Tuấn Hải đã đưa ra những quyết định chiến lược táo bạo, tái cơ cấu và dồn lực vào lĩnh vực bất động sản, tập trung vào các dự án có giá trị cao tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM.
Năm 2012, Alphanam nổi lên như một hiện tượng trên sàn chứng khoán Việt Nam nhờ chiến lược "niêm yết cửa sau”, đưa ông Hải vào danh sách 10 doanh nhân giàu nhất thị trường với tài sản ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2014, sự suy thoái của thị trường bất động sản đã gây khó khăn lớn cho Alphanam, buộc ông Hải quyết định hủy niêm yết cổ phiếu để tái cơ cấu. Dù vậy, tập đoàn này vẫn duy trì vị thế với hơn 20 dự án lớn và quỹ đất phát triển lên tới 1.000 ha.
Tân Cảng Sài Gòn: 'Anh cả' nắm giữ 3 cảng biển lớn nhất Việt Nam
- Tái hiện lịch sử 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam trên không gian số 20/12/2024 10:45
- Bảo hiểm Quân đội tăng vốn lên 2.000 tỷ, cổ phiếu MIG 'bung' kịch trần 30/11/2024 07:30
- Những doanh nhân đứng đầu các hệ thống giáo dục lớn nhất Việt Nam 20/11/2024 03:30
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.