Chất lượng hoạt động ngân hàng cải thiện đáng kể

Thanh Huyền - 13/04/2018 14:06 (GMT+7)

Chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam được đánh giá cao theo chuẩn mực quốc tế

VNF
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI).

Gần đây, các ngân hàng Việt Nam liên tục được nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín như Moody’s, Fitch Raiting, S&P nâng hạng. Đâu là những yếu tố đã giúp các ngân hàng Việt thăng hạng? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Theo ông, vì sao các ngân hàng Việt Nam liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới nâng bậc tín nhiệm?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, S&P hay Fitch có chuẩn đánh giá khắt khe hơn vì họ dựa nhiều vào chuẩn mực có tính quốc tế cả về quản trị hoạt động và quản trị rủi ro. Điều này chứng tỏ sự cải thiện đáng kể về chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thường sử dụng rất nhiều thông tin, tiêu chí để đánh giá ngân hàng.

Trong thời gian qua, các tổ chức xếp hạng trên chủ yếu đánh giá các ngân hàng Việt Nam dựa trên 5 tiêu chí chủ yếu (CAMELS). Một là hệ số CAR (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro). Phần lớn các ngân hàng được nâng hạng trong thời gian vừa qua đều đã tăng vốn tự có và đảm bảo vượt quy định của ngân hàng Trung ương về hệ số CAR 9%. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng chống chịu rủi ro của một ngân hàng, đồng thời là nguồn lực chủ yếu để xử lý nợ xấu, nhất là nợ mất vốn (nhóm 5) khi cần.

Hai là, chất lượng tài sản, chủ yếu đánh giá qua tỷ lệ nợ xấu. Những ngân hàng được nâng hạng đó đều có tỷ lệ nợ xấu thấp, từ 1,7% đến 2,25% - dưới mức bình quân của cả hệ thống. Sở dĩ có được kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu là do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này có cải thiện tích cực.

Vì vậy, mà các ngân hàng có nguồn dư dả từ Quỹ dự phòng rủi ro. Các ngân hàng đã dùng nó để xử lý nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu được cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Ngoài ra, do một số thay đổi về cơ chế xử lý nợ xấu. Như việc tổ chức tín dụng tích cực triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, các chỉ thị của ngân hàng Trung ương về nâng cao chất lượng tài sản; và đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh được cải thiện.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ấm dần lên cho nên các ngân hàng thương mại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, từ khung pháp lý cho đến thị trường để giải quyết nợ xấu. Trong vài năm gần đây tăng trưởng tín dụng cũng được phục hồi, đạt bình quân 17-18% cũng góp phần làm tăng tổng tài sản có rủi ro của các ngân hàng thương mại. Nhờ đó giảm được tỷ lệ nợ xấu.

Ba là, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng được thăng hạng tín nhiệm đều đang thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về nâng cấp hệ thống quản trị ngân hàng giảm sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, tăng cường quản lý rủi ro, quản lý nợ và mở rộng các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin như Internet banking, mobile banking và vay tiêu dùng, từng bước tiệm cận chuẩn mực quốc tế đã tạo ra niềm tin vững chắc cho người gửi tiền và các nhà đầu tư.

Bốn là khả năng sinh lời. Với tất cả nỗ lực nói trên những ngân hàng được thăng hạng đã cải thiện vượt bậc khả năng sinh lời, ROA đạt trên 1%, ROE trên 12% tạo ra những bước đột phá về nền tảng tài chính. Trên cơ sở đó các ngân hàng có thể đầu tư mạnh hơn vào phát triển công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm cải thiện vị thế cạnh tranh lâu dài trên thị trường.

Năm là thanh khoản. Những ngân hàng này đều là ngân hàng có sự ổn định khá vững chắc về các chỉ tiêu an toàn thanh khoản như là tỷ lệ cho vay/huy động, tỷ lệ khả năng chi trả tức thời và đều là những ngân hàng hoạt động hiệu quả trên thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu Chính phủ. Góp phần vào sự ổn định về thanh khoản của toàn hệ thống trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây.

- Việc thăng hạng của các ngân hàng có tác động thế nào đối với nền kinh tế, thưa ông?

Việc các ngân hàng được thăng hạng tín nhiệm là kết quả của một quá trình vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng và thị trường tài chính nói chung, phản ánh thành công bước đầu của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra trong những năm qua và trong thời gian tới.

Sự phục hồi khá vững chắc của hệ thống ngân hàng đặc biệt là những cải thiện về nền tảng tài chính và quản trị góp phần rất quan trọng vào việc vừa tăng trưởng, và ổn định kinh tế vĩ mô và là một trong những yếu tố quyết định góp phần nâng bậc xếp hạng quốc gia của Việt Nam theo đánh giá của World Bank.

- Vậy, trong thời gian tới các ngân hàng cần phải làm gì để tiếp tục được "tín nhiệm" và thăng hạng?

Theo các mục tiêu đã được đặt ra và lộ trình thực hiện đã được khẳng định trong chương trình tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng thì ngành Ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm cải thiện hơn nữa về quản trị và tài chính trong những năm tiếp theo. 

Đặc biệt là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh quốc tế gia tăng và sự bùng nổ của công nghệ 4.0, các chỉ tiêu an toàn hoạt động cần phải được cải thiện hơn nữa theo hướng tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu, chuẩn mực kế toán tài chính, chuẩn mực quản trị ngân hàng.

Hai là giải quyết dứt điểm các ngân hàng yếu kém trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng mà Quốc hội vừa thông qua nhằm củng cố hơn nữa lòng tin của người gửi tiền và tránh rủi ro hệ thống.

Ba là, hệ thống ngân hàng cần phải dành nguồn lực tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo những thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin đang được vận dụng ngày càng rộng rãi hơn vào tất cả các dịch vụ cơ bản của các ngân hàng. Ví dụ như công nghệ thanh toán điện tử, công nghệ giám sát từ xa, Internet banking, mobile banking, công nghệ bảo mật an toàn mạng. Đặc biệt là bảo mật tài khoản người gửi tiền. 

Bốn là, tiếp tục tạo lập hành lang pháp lý và chế tài loại bỏ hoàn toàn sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn vốn là nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoản nợ xấu lớn ở một số ngân hàng thương mại cổ phần trước đây và hiện tại vẫn còn là gánh nặng tài chính của nhiều ngân hàng nhỏ.

Tóm lại, việc các ngân hàng thương mại liên tục được thăng hạng tích cực trong thời gian gần đây đã xóa đi những ám ảnh của các nhà đầu tư quốc tế trước đây về nguy cơ bất ổn của hệ thống ngân hàng và của toàn bộ nền kinh tế. Đây là bước cải thiện rất quan trọng về lòng tin của các nhà đầu tư và đặc biệt là của người gửi tiền, tạo nền tảng cốt yếu cho việc thực hiện thành công các bước tiếp theo về cơ cấu hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế theo hướng hội nhập, hiệu quả và ổn định dài hạn.

- Xin cảm ơn ông!

Theo TBNH
Cùng chuyên mục
Tin khác