Chiến lược lùi 1 để tiến 3 của Tesla

Quang Đăng - 28/07/2023 23:46 (GMT+7)

(VNF) - Việc Tesla “mở khóa” trạm sạc siêu nhanh cho các thương hiệu ô tô khác đặt ra câu hỏi liệu hãng xe này có đang tự đánh mất ưu thế của mình trước các đối thủ hay không? Nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là cách hãng xe điện hàng đầu nước Mỹ “lùi 1 bước, tiến 3 bước” bởi những lợi ích mà Tesla có thể nhận được là không thể đong đếm.

VNF
Tesla đã xây dựng được một mạng lưới trạm sạc lớn mang tên “Supercharger” (sạc siêu nhanh) với khoảng 45.000 bộ sạc trên toàn thế giới.

Hệ thống trạm sạc “tiêu chuẩn vàng”

Tiên phong trên thị trường xe điện, Tesla đã xây dựng được một mạng lưới trạm sạc lớn mang tên “Supercharger” (sạc siêu nhanh) với khoảng 45.000 bộ sạc trên toàn thế giới. Các trạm sạc của Tesla được đánh giá là sạc điện nhanh hơn, ổn định và đáng tin cậy hơn so với các trạm sạc khác. Nhờ vào hệ thống này, Tesla luôn được người tiêu dùng ưu tiên khi lựa chọn mua xe điện.

Trong vài năm gần đây, hãng xe của tỷ phú Elon Musk đã đầu tư lớn để triển khai các trạm sạc siêu nhanh trên khắp khu vực Bắc Mỹ, trong khi hầu hết nhà sản xuất ô tô khác ủy quyền phát triển trạm sạc cho bên thứ ba. Dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy hệ thống trạm sạc siêu nhanh của Tesla chiếm khoảng 60% tổng số bộ sạc nhanh ở Mỹ và Canada.

Trước đây, mạng lưới sạc này chỉ dành riêng cho chủ xe Tesla khi sử dụng Tiêu chuẩn Sạc Bắc Mỹ (NACS) độc quyền của hãng này, vốn được đánh giá là phát triển vượt xa so với Tiêu chuẩn sạc kết hợp (CCS) được gần như mọi nhà sản xuất xe hơi khác sử dụng. Người lái xe Tesla có thể mua bộ chuyển đổi để kết nối với trạm sạc công cộng CCS nhưng những người không sở hữu xe Tesla không thể làm điều ngược lại với bộ sạc siêu nhanh của Tesla. Hiện Tesla có 20.000 phích cắm tại gần 1.800 trạm sạc siêu nhanh và khoảng 10.000 điểm sạc chậm khác.

Để phục vụ việc đi lại của người dân, các trạm sạc nhanh của Tesla thường được bố trí ở dọc các tuyến đường trọng điểm, đường cao tốc. Theo tuyên bố của Tesla, mỗi trạm sạc Supercharger của công ty có thể cung cấp đủ năng lượng để chiếc xe di chuyển hơn 320km trong vòng 15 phút sạc. Không phải trạm sạc nào cũng có tốc độ sạc nhanh như vậy.

Trước kia, để lôi kéo khách hàng mới, Tesla ưu đãi sử dụng trạm sạc nhanh miễn phí đối với các chủ xe Model X và Model S là hai dòng sản phẩm cao cấp của hãng. Từ năm 2017 trở đi, khi sử dụng trạm Supercharger, các khách hàng đều phải trả phí. Giá sạc điện sẽ được tính theo thời gian cắm sạc (phút) hoặc số điện (kwh) tùy theo từng khu vực.

Cho đối thủ “dùng ké”

Đầu tháng 7, Ford Motor và General Motors (GM) tuyên bố đã ký thỏa thuận được tiếp cận với hệ thống sạc Supercharger của Tesla. Từ trước đến nay, Ford vốn là một đối thủ của Tesla khi tham gia vào cuộc đua giá cả tại thị trường Mỹ. Cú bắt tay này đã đánh dấu nhà sản xuất ô tô lớn đầu tiên sử dụng chung cổng sạc độc quyền của Tesla. Thỏa thuận này được cho là sẽ hình thành nên tiêu chuẩn mở rộng mới cho toàn bộ lĩnh vực sạc xe điện.

Theo thỏa thuận, xe điện của GM và Ford từ năm 2024 có thể sạc điện tại các đầu sạc siêu nhanh của Tesla. GM và Ford cũng sẽ tiến hành lắp đầu sạc tương thích với trạm sạc của Tesla trên xe điện do 2 hãng này chế tạo. Nhiều chuyên gia nhận định rằng khả năng cao các hãng xe điện khác cũng sẽ sớm chuyển sang sử dụng đầu kết nối tương thích với trạm sạc của Tesla.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Tesla lại quyết định cho đối thủ “dùng ké” các trạm Supercharger. Lý do dĩ nhiên có vẻ không phải vì tiền, bởi theo thông tin ban đầu, GM và Ford không mất bất cứ chi phí nào cho thỏa thuận hợp tác này.

Trước đó, sau cuộc đàm phán với Nhà Trắng hồi tháng 2 vừa qua, Tesla tuyên bố sẽ mở cửa 7.500 trạm sạc trên khắp nước Mỹ cho xe điện hãng khác vào sạc, góp phần hiện thực hóa tham vọng phủ sóng xe điện của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và để được tiếp cận khoản trợ cấp trị giá 7,5 tỷ USD. Cụ thể, Tesla sẽ mở 3.500 trạm sạc nhanh dọc các hành lang đường cao tốc. Hãng cũng sẽ mở 4.000 điểm sạc chậm hơn tại các nơi như khách sạn và nhà hàng cho các xe không phải Tesla. Điều này có ý nghĩa quan trọng với kế hoạch phủ sóng xe điện mà Tổng thống Biden đã đặt ra. Chính quyền của ông đặt mục tiêu cả nước Mỹ sẽ có 400.000 trạm sạc điện vào năm 2030.

Đâu là tham vọng thực sự?

Theo các nhà phân tích, việc mở rộng mạng lưới trạm sạc có thể mở rộng nguồn vốn và doanh thu cho Tesla. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs ước tính lợi nhuận mà Tesla có thể thu về nếu xe điện của các thương hiệu khác đến sạc tại Supercharger lên tới 25 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc chia sẻ có thể làm xói mòn tính độc quyền của thương hiệu này và khiến nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu nước Mỹ gặp khó khăn trong việc quản lý mạng lưới. Thỏa thuận này cũng đi kèm rủi ro cho Tesla. Trước đó, quyền truy cập độc quyền vào các trạm sạc đã giúp hãng bán được rất nhiều xe, đặc biệt là cho những khách hàng cảm thấy khó chịu khi phải chờ sạc ở các trạm sạc thông thường khác.

Ông Chris Harto, nhà phân tích chính sách cấp cao của Consumer Reports, cho rằng đó chắc chắn là sự toan tính khó khăn đối với tỷ phú Elon Musk khi phải cân đối giữa việc nhận được bao nhiêu khoản trợ cấp tiềm năng của liên bang để mở rộng mạng lưới của Tesla so với lợi ích duy trì ưu thế cạnh tranh khi tính phí. Tuy vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng vị tỷ phú giàu nhất thế giới đã có nhiều toan tính ẩn sau sự chia sẻ hào phóng này.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Tesla cho xe hãng khác vào sạc cùng không chỉ đơn giản là thay đổi phích cắm. Tiêu chuẩn Sạc Bắc Mỹ của Tesla có bộ ba lỗ lớn hơn là dùng để nạp điện và 2 lỗ nhỏ hơn là cho cổng dữ liệu. Tesla nổi tiếng sử dụng dữ liệu và wifi để thu thập thứ gọi là “kho dự trữ dữ liệu” về bản thân chiếc xe và người dùng. Họ theo dõi mọi thứ từ hiệu quả hệ thống phanh tới cách người lái xe thường sử dụng sạc. Và những cổng sạc này sẽ thu về nhiều thông tin hơn.

Hiện tại, bằng việc cho phép Ford và GM được tiếp cận mạng lưới sạc, có thể Tesla cũng đang muốn thu thập dữ liệu từ những chiếc xe hơi của đối thủ. Điều này không chỉ tạo cho họ lợi thế thị trường trong ngành ô tô mà còn cung cấp cho công ty luồng dữ liệu béo bở mà công ty có thể biến nó thành hàng hóa và bán cho những bên khác. Thậm chí, những dữ liệu cơ bản của một trạm sạc cũng có thể trở thành dữ liệu có ích khổng lồ, đặc biệt là khi chúng kết hợp với dữ liệu khác cần thiết khi thanh toán. Và bằng cách khai thác hệ thống quản lý pin của xe, Tesla có thể lấy được nhiều dữ liệu hơn từ các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, thị trường với dữ liệu ô tô rất lớn và màu mỡ. Theo The Markup, có khoảng 12 công ty với một vài trong số đó trị giá 800 tỷ USD tính tới cuối thập kỷ này. Việc sạc nhanh với xe điện làm tăng nhu cầu điện và việc quản lý mạng lưới điện hiện liên quan tới các mô hình toán học và dữ liệu công. Số liệu của Tesla có thể là nhân tố chủ đạo để tìm xem liệu khi nào và bao giờ các tài xế sẽ cần điện và nơi nào có lợi nhất để đặt trạm sạc mới. Theo các nhà phân tích của Business Insider, điều này trong dài hạn có thể mang về lợi nhuận nhiều hơn cả việc sản xuất và bán xe hơi.

Xem thêm >> Giá gạo Việt Nam liên tục tăng, châu Á lên mức đắt đỏ nhất 3 năm qua

Cùng chuyên mục
Tin khác