Tiêu điểm

Chính phủ đặt mục tiêu GDP 2021 tăng 6%, bổ sung thêm 3 chỉ tiêu vào kế hoạch kinh tế xã hội

(VNF) - Mục tiêu này được Chính phủ nêu ra trong "Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm (2016 - 2020), dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm (2021-2025)".

Chính phủ đặt mục tiêu GDP 2021 tăng 6%, bổ sung thêm 3 chỉ tiêu vào kế hoạch kinh tế xã hội

Chính phủ đặt mục tiêu GDP 2021 tăng 6%, bổ sung thêm 3 chỉ tiêu vào kế hoạch kinh tế xã hội

Năm 2021, Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó, mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến thêm 3 chỉ tiêu, nâng tổng số chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lên 15 chỉ tiêu.

Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Trước đó, báo cáo cho biết trong giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Quy mô GDP Việt Nam năm 2020 đã tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.

Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng… từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chính phủ cũng tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định. Lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; cơ cấu lại ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011 - 2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 - 63%.

Bội chi ngân sách và nợ công được kiểm soát, giảm so với giai đoạn trước. Cụ thể, bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 3,5% GDP, giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 (5,4% GDP). Từ năm 2017, nhờ giảm bội chi ngân sách nhà nước, siết chặt quản lý vay và bảo lãnh chính phủ, nợ công bắt đầu giảm. Đến hết năm 2019, tỷ lệ nợ công ước khoảng 55% GDP, nợ chính phủ khoảng 48% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,1% GDP, nằm trong giới hạn cho phép tương ứng là không quá 65% GDP; 54% GDP và 50% GDP.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khả năng thu ngân sách sẽ thấp hơn dự kiến, đồng thời các chính sách hỗ trợ cho y tế, sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội sẽ phát sinh thêm yêu cầu tăng chi, dẫn tới tăng bội chi ngân sách nhà nước, dự kiến năm 2020 khoảng 5% GDP. Tỷ lệ nợ công năm 2020 tăng lên khoảng 56,8% GDP, vẫn trong giới hạn cho phép.

Về đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh, 9 tháng năm 2020 tăng trên 20%; xuất siêu 5 năm liên tiếp (thặng dư năm 2019 khoảng 10,87 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2018 là 6,83 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với thặng dư năm 2017 là 2,11 tỷ USD, gấp 6 lần so với thặng dư năm 2016 là 1,78 tỷ USD).

Thị trường nội địa được chú trọng; công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh...

Tin mới lên