Tài chính

Chính phủ kiểm soát chặt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, Bia Sài Gòn chuyển hướng bán hàng

(VNF) - Trước tác động tiêu cực của việc thực thi Nghị định 100 đến sản lượng bán bia, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi cơ cấu về khả năng tiêu thụ bia bình quân đầu người trong trung và dài hạn. SAB dự kiến sẽ có sự chuyển dịch kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade) trong khi SAB tương đối mạnh hơn ở kênh off-trade.

Chính phủ kiểm soát chặt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, Bia Sài Gòn chuyển hướng bán hàng

SAB: Không gia tăng chi quảng cáo tiếp thị năm 2024 để hỗ trợ khả năng sinh lời

Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) nói riêng và toàn ngành bia nói chung vừa trải qua một năm kinh doanh ảm đạm khi lượng tiêu thụ toàn ngành sụt giảm mạnh dưới tác động kép của các quy định về nồng độ cồn cũng như sức mua giảm.

Năm 2023, SAB ghi nhận doanh thu thuần giảm 13% so với mức thực hiện năm 2022, đạt 30.461 tỷ đồng. Mảng bia chiếm 88% doanh thu của SAB, đạt 26.923 tỷ đồng, giảm 12%. Lợi nhuận sau thuế SAB năm 2023 đạt 4.255 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2022.

Kết quả đạt được năm 2023 của SAB đều không tương đương với kỳ vọng của ban lãnh đạo, doanh thu và lợi nhuận đều chỉ hoàn thành được ở mức 75%. SAB cho biết sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bất chấp thách thức hiện hữu của ngành bia, ban lãnh đạo SAB vẫn tỏ ra lạc quan với triển vọng năm 2024 cũng như triển vọng dài hạn của thị trường bia. Theo đó, ban lãnh đạo SAB cho rằng triển vọng phục hồi sản lượng bán bia của doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Về khả năng sinh lời, SAB cho biết biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong năm 2024 kỳ vọng được hỗ trợ bởi việc tích lũy lon (đóng gói) với mức giá tốt vào cuối năm 2023. SAB kỳ vọng những cải thiện về hiệu quả hoạt động sản xuất, thương mại và chi tiêu cho quảng cáo, khuyến mãi (A&P) hiệu quả hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc cải thiện biên lợi nhuận.

Được biết, SAB là doanh nghiệp có tiếng về việc mạnh tay chi tiêu cho quảng cáo. Trong vòng gần 1 thập kỷ vừa qua, mỗi năm SAB đều chi ra hơn nghìn tỷ đồng cho quảng cáo, tiếp thị. Đỉnh điểm vào năm 2022, số tiền được chi ra lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, gấp đôi những năm trước. Năm 2023, chi phí quảng cáo và khuyến mãi đã giảm 8% còn hơn 2.813 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn ở mức cao.

Ban lãnh đạo SAB cho biết năm 2024 không có kế hoạch tăng chi tiêu A&P, tuy nhiên sẽ chi tiêu hiệu quả hơn.

Trước tác động của việc thực thi Nghị định 100 có tác động tiêu cực đến sản lượng bán bia, ban lãnh đạo không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi cơ cấu về khả năng tiêu thụ bia bình quân đầu người trong trung và dài hạn. SAB dự kiến sẽ có sự chuyển dịch kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade) trong khi SAB tương đối mạnh hơn ở kênh off-trade.

Được biết, kênh bán hàng của SAB qua sàn thương mại điện tử Shopee bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2023. Dù số lượng so với kênh on-trade chưa quá ấn tượng, tuy nhiên cũng đã thu hút không ít người tiêu dùng. SAB kỳ vọng sẽ đạt được doanh số bán hàng cao hơn qua kênh này vào năm 2024.

Bên cạnh đó, hoạt động M&A cũng là một điểm sáng của SAB trong năm 2023 trước thông tin tăng tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị thành viên. SAB cho biết quá trình tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco, UPCoM: SBB) từ 22% (cuối năm 2023) lên trên 50% đang trên lộ trình hoàn tất vào giữa quý II/2024.

Về triển vọng dài hạn, ban lãnh đạo SAB bày tỏ quan điểm tích cực do thị trường Việt Nam còn trẻ và năng động, trong đó thị trường bia chiếm ưu thế về tiêu thụ thức uống có cồn. Ngoài ra, SAB vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng thức uống có cồn của người tiêu dùng từ bia sang các sản phẩm thay thế như rượu và bia không cồn.

Khác với sự lạc quan của ban lãnh đạo SAB, Công ty Chứng khoán SSI có quan điểm thận trọng hơn về triển vọng của mặt hàng bia trong năm 2024, do mức tiêu thụ có thể sẽ tiếp tục bị tác động đồng thời từ nghị định 100 và thu nhập của người tiêu dùng giảm sút.

“Nhìn vào Trung Quốc, Chính phủ nước này áp dụng luật Lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023, mức tăng trưởng tiêu thụ bia đã chững lại đáng kể. Chúng tôi cho rằng các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại”, các chuyên gia của SSI cho biết.

Theo SSI, việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu là một điểm nổi bật của năm 2023, khi Heineken ghi nhận mức giảm 13% về sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam trong khoảng 9 tháng năm 2023 do mức tiêu thụ sản phẩm cao cấp sụt giảm, trong khi các thương hiệu phổ thông của hãng như Heineken Silver và Tiger Crystal lại giành được thị phần.

SAB cũng cho biết doanh nghiệp đã giành được thị phần trong 9 tháng năm 2023 phần lớn nhờ lợi thế cạnh tranh trong phân khúc phổ thông khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu chuyển từ sản phẩm cao cấp sang sản phẩm phổ thông. Doanh nghiệp còn tiết lộ theo nghiên cứu thị trường của bên thứ 3, Sabeco là thương hiệu bia đứng đầu về sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2023. SSI kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra đến năm 2024.

Ngoài ra, việc giá mạch nha thuận lợi hơn (giảm 17% so với cùng kỳ) trong năm 2024 sẽ là một cơ hội tốt cho SAB vì doanh nghiệp này sẽ chốt giá nguyên liệu trong 9 tháng tới từ tháng 8 đến tháng 9/2024.

Ban lãnh đạo SAB cũng kỳ vọng toàn bộ lượng mạch nha có chi phí cao do phòng hộ rủi ro nhiều hơn thực hiện từ năm 2023 sẽ được sử dụng hết vào năm 2024, từ đó gia tăng khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

SSI kỳ vọng lợi nhuận của SAB trong năm 2024 sẽ đạt 10,4%, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của ngành.

Tin mới lên