Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.
“Xanh hóa” ngành dệt may không còn là lựa chọn mà đang dần trở thành quy định bắt buộc tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước nói chung và miền Trung nói riêng đã thay đổi, hướng đến sản xuất xanh để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thị trường.
Doanh nghiệp tiên phong đưa phát thải về 0
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt May 29/3 cho biết, nhiều năm trước, Dệt May 29/3 đã theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2018, công ty đã xây dựng Xí nghiệp May Duy Trung 1 tại Quảng Nam theo mô hình Nhà máy xanh và đến năm 2020, xí nghiệp này đã chính thức được chứng nhận là Nhà máy Xanh bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam.
Quý I/2023, Dệt May 29/3 chính thức chấm dứt sản xuất mặt hàng khăn bông – sản phẩm từng gắn bó với hoạt động công ty suốt chiều dài 47 năm, mang thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao và có tỷ trọng doanh thu hơn 20% vì mục tiêu xây dựng công ty xanh sạch và phát triển bền vững trong lòng TP.Đà Nẵng.
Để đạt các tiêu chuẩn xanh, công ty cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như: Thực hiện kiểm toán năng lượng (điện, nước, chất thải); nâng tỷ lệ chiếu sáng tự nhiên tại các kho tàng, xưởng sản xuất và văn phòng làm việc; lắp các bồn thu hồi nước mưa để tái sử dụng cho mục đích cung cấp nước làm mát cho hệ thống Cooling Pad tại các nhà xưởng.
Đặc biệt, công ty lắp pin năng lượng mặt trời, chuyển đổi 20% lượng điện năng mua từ điện lưới (EVN) sang năng lượng điện sạch; chuyển đổi 100% nhiên liệu đốt lò từ than đá sang nhiên liệu biomass (củi dăm) thân thiện với môi trường; chuyển đổi các môi chất làm lạnh cho máy điều hòa sang loại thân thiện với môi trường (R32).
Nhờ thực hiện các giải pháp trên, Dệt May 29/3 đã đạt được mục tiêu giảm phát thải CO2 về gần bằng 0 vào năm 2023.
“Xanh hóa dệt may là xu thế toàn cầu, là điều kiện cũng như thẻ thông hành để các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận được với các thị trường khó tính, nhất là Châu Âu. Chỉ có xanh hóa, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu mới tồn tại được”, ông Huỳnh Văn Chính nói.
Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Xí nghiệp May Khatoco cho biết, hiện nay xí nghiệp đã và đang áp dụng một số các quy trình, quy định trong sản xuất được các tổ chức đánh giá và cấp chứng nhận quốc tế như: tiêu chuẩn về môi trường (Higg, Green To Wear của tập đoàn Inditex); tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội (BSCI, Wrap); tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng (GMP); tiêu chuẩn về Quy trình sản xuất (OCS, RCS).
Bên cạnh việc thường xuyên tăng cường rà soát, tổ chức sản xuất tinh gọn, tối ưu quy trình và giảm chi phí sản xuất, xây dựng văn hóa cải tiến liên tục… Khatoco tập trung đẩy mạnh áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính như: Tăng cường đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại thay thế các thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Đồng thời, DN ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời), vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; thực hiện chuyển đổi toàn bộ các thiết bị điện theo hướng tiết kiệm như hệ thống đèn led trong hoạt động sản xuất…
Ngoài ra, Khatoco cũng hướng đến sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, trước đây là các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như vải sợi tre (Bamboo), vải sợi bông (Cotton), vải sợi từ bột gỗ (Tencel) thì thời gian gần đây tiếp tục ra mắt dòng sản phẩm được làm từ sợi thiên nhiên như vải sợi sen (Lotus), vải sợi bạc hà (Mint) và vải sợi cafe (S-café), …
Cần thêm chính sách khuyến khích
Lãnh đạo Xí nghiệp May Khatoco cho rằng, với xu hướng toàn cầu nói chung và ngành dệt may nói riêng đang chuyển dịch dần đến sản xuất xanh, bền vững. Đặc biệt, một số thị trường lớn như EU và thị trường Mỹ đang có yêu cầu về dán nhãn carbon. Do đó, các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu vào các thị trường này đều phải chấp nhận “luật chơi” này, đây thật sự là một thách thức rất lớn đối với tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.
“Mặc dù hiện nay chưa có chính sách hoặc quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tự triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể sẽ là nền tảng cơ bản để từng bước tham gia vào xu hướng chuyển đổi xanh ngày càng phổ biến trên thế giới, điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Hùng kỳ vọng.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho hay, dệt may Việt Nam là một trong những ngành hội nhập sớm nhất và trong xu thế sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, ngành dệt may cần đi đầu trong chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Chuyển đổi xanh đến nay đã không còn là “phong trào”, “hình ảnh, trang sức” mà trở thành một trong những năng lực cốt lõi, “giấy thông hành” để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thâm nhập, chinh phục các thị trường, phân khúc có giá trị cao, yêu cầu cao...
Ông Quang cho rằng, để chuyển đổi xanh đạt hiệu quả, ngành dệt may cần tích cực tìm kiếm, tham gia chuỗi cung ứng xanh, cơ cấu lại đầu vào theo hướng xanh hóa; chủ động trong sử dụng nguồn năng lượng xanh, thực hành tiết kiệm năng lượng; chuẩn bị xây dựng quy trình, phương thức kiểm đếm khí nhà kính, phát thải tại doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường, tái chế, sử dụng vật liệu tái chế, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng mô hình nhà máy trung hòa carbon...
Đối với các doanh nghiệp có năng lực tốt, quy mô lớn, có tiềm lực thì cần đầu tư đúng mức, thực hành ESG (Environment (môi trường), Social (xã hội) & Governance (quản trị)...
Ngoài những giải pháp trên, doanh nghiệp miền Trung cần tận dụng lợi thế trong phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực (điện mặt trời, điện gió) để đẩy nhanh quá trình dịch chuyển từ năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh...
Theo Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên, chuyển đổi xanh một mình doanh nghiệp không thể làm được mà Nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp dệt may tiếp cận vốn tín dụng xanh; khuyến khích hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất xanh trong lĩnh vực dệt may; có chính sách thúc đẩy tái chế, kinh tế tuần hoàn; đầu tư hạ tầng xanh (khu công nghiệp xanh, cảng biển xanh…).
Cùng với đó, thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực khác chuyển đổi xanh nhằm tạo hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp dệt may sớm đạt chuẩn xanh; khuyến khích việc phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn trong chuyển đổi từ sử dụng năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh; hình thành thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm dệt may xanh giúp khuyến khích, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh tại các doanh dệt may...
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt May 29/3 Huỳnh Văn Chính cũng cho rằng, việc sản xuất xanh không chỉ để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường của địa phương. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi, sản xuất xanh.
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.