Thị trường

Chống hàng giả trên chợ online: Mặt trận mới nhiều thách thức

(VNF) - Khi kinh doanh truyền thống dần chuyển lên online thì những gian lận thương mại ở lĩnh vực này cũng theo lên chợ mạng. Thậm chí, tình trạng vi phạm càng nặng nề và nhiều biến tướng khó lường hơn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về quản lý kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng trên chợ mạng. Trong đó, chống hàng lậu, hàng giả là một trọng tâm của Quản lý thị trường (QLTT) trong thời gian tới.

Chống hàng giả trên chợ online: Mặt trận mới nhiều thách thức

Chống hàng giả trên chợ online

Những "phát súng" cảnh báo

Ngày 25/12/2023, lực lượng QLTT cùng Công an kiểm tra kho hàng của hot girl bán hàng online nổi tiếng Mai Ly (Mailystyle) ở quận Hà Đông, Hà Nội.

Kho hàng là căn nhà phố 5 tầng, mỗi tầng rộng trên 100m2 chật cứng hàng hoá. Khi kiểm tra 50 nhân viên đang đóng gói các sản phẩm để gửi cho khách hàng khắp cả nước. Hàng hoá đa phần là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng có đề xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... Tuy nhiên, qua kiểm tra, phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi lực lượng chức năng yêu cầu thì đại diện quản lý kho hàng chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Hoạt động của Mailystyle thực hiện trên nhiều nền tảng từ tiktok, instagram, facebook và website Mailystyle.com. Chỉ riêng trên Facebook Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại bán hàng. Riêng phiên livestream ngày 23/12/2023 đã kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm.

Trước đó, trong tháng 11/2023, lực lượng QLTT phối hợp Công an địa phương đã kiểm tra Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai (Ngọc Quyên Shop). Toàn bộ hàng hóa của hộ kinh doanh này đều bán thông qua nền tảng thương mại điện tử. Cụ thể là livestream bán qua Facebook cá nhân “Ngọc Quyên Gia Lai” với hàng trăm nghìn người theo dõi.

Ngọc Quyên Gia Lai rao bán nhiều các sản phẩm như giày Gucci, giày Adidas, hay Nike với giá từ 80.000 đến trên 100.000 đồng/sản phẩm. Các loại đồng hồ, kính mắt các nhãn hiệu Versace, Gucci, LV có giá từ 30.000 đồng đến dưới 200.000 đồng/ sản phẩm. Các loại mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, nước giặt có giá từ 20.000 đến dưới 100.000/ sản phẩm.

Kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng nhận thấy, Ngọc Quyên Shop có dấu hiệu sử dụng ứng dụng bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Chủ cơ sở kinh doanh cũng không xuất trình đầy đủ các hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Trong tháng 12/2023, QLTT đã đồng loạt ra quân tại 12 tỉnh, thành phố kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh xe đạp điện được giới thiệu trên 2 website hamachi.vn và thegioixechaydien.com.vn.

Qua kiểm tra, tại tất cả các địa điểm kinh doanh đều có khối lượng lớn xe đạp điện có nhiều dấu hiệu vi phạm. Phổ biến là các lỗi chưa chứng minh được về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa không gắn dấu hợp quy theo quy định. Các sản phẩm chưa có hóa đơn chứng từ hợp pháp xuất trình tại thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra. Bên cạnh đó, website hamachi.vn chưa thực hiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử với cơ quan có thẩm quyền. Có dấu hiệu lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm.

Đó là những vụ điển hình như những phát súng lệnh của một chiến dịch lớn đang được QLTT triển khai nhằm chấn chỉnh hoạt động vi phạm pháp luật trên chợ online. Với tinh thần không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, lực lượng QLTT đã truy quét và xử lý triệt để hàng loạt các vụ việc, thu giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm.

Có nhiều vụ việc QLTT chuyển hồ sơ sang Công an khởi tố, bắt tạm giam đối tượng vi phạm. Gần đây, Công an Thanh Hoá đã tiến hành khởi tố 2 bị can về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây là vụ việc được kiểm tra cuối tháng 4/2022 do lực lượng QLTT thực hiện.

Trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù trong kinh doanh hàng hóa online

Chống hàng giả trong TMĐT: Khó vẫn phải làm

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, hành vi tiêu dùng của người dân đang chuyển dần sang hình thức online. Nếu năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022 tăng vọt lên 35 tỷ USD. Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% dân số. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện thì việc mua bán trên TMĐT đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù trong kinh doanh hàng hóa online, như: địa điểm mua bán khó xác định, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó xác định, chứng cứ dễ thay đổi. Hơn nữa việc thanh toán qua trung gian khiến quá trình truy vết gặp khó.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên TMĐT rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Tháng 3/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm. Góp phần bảo đảm TMĐT diễn ra minh bạch, lành mạnh; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam.

Ông Linh xác định “TMĐT sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng QLTT trong vòng ba đến năm năm tới. TMĐT tăng trưởng rất nhanh, nếu không đấu tranh mạnh mẽ, đây sẽ là nơi hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ phát triển tràn lan, khó kiểm soát”.

Trong thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tăng cường theo dõi, rà soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu công khai trên các nền tảng thương mại điện tử.

Xác định đây là chiến dịch lớn và khó nhưng ông Linh khẳng định: “khó cũng phải làm’ vì mục tiêu mang lại niềm tin cho người dân và xã hội kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN trong nước cũng sự tin tưởng của DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

Tin mới lên