Tiêu điểm

Chủ tịch Đắk Lắk thúc tiến độ Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột 22.000 tỷ đồng

(VNF) - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị yêu cầu phải hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao để triển khai xây dựng Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2023.

Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài trên 116,5 km và tổng mức đầu tư lên đến 21.935 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công từ ngày 18/6/2023. 

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 có chiều dài 31,5 km do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 có chiều dài gần 37 km (đi qua các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Kông Bông) do Bộ Giao thông - vận tải làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 3 có chiều dài 48,09 km (đi qua các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Cư Kuin) do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ quản.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 12/12, dự án thành phần 2 đã bàn giao 130 ha/317,5 ha, đạt 40,9%. Kế hoạch vốn đã bố trí cho Dự án thành phần 2 trên 1.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 352,76 tỷ đồng. 

 

Dự án thành phần 3 đã bàn giao 324,01 ha/332,89 ha mặt bằng, đạt 97,31%. Vốn đã bố trí cho dự án là 1.372,4 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 1.246,3 tỷ đồng, đạt 90,81%.

Đến nay, cả hai dự án thành phần Dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 qua địa phận tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu để triển khai thực hiện dự án. Công tác rà phá bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn tuyến cũng cơ bản hoàn thành. Một số gói thầu đang thỏa thuận với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý lâm nghiệp để triển khai thủ tục thực hiện.

Tại cuộc họp giải quyết các khó khăn, vướng mắc  thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị yêu cầu các địa phương phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2023.

Về vật liệu xây dựng, Chủ tịch Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị chức năng cần vận dụng cơ chế đặc thù để giải quyết nhanh thủ tục cho các nhà thầu, đơn vị. Với các nhà thầu, được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, khi ứng tiền về phải phục vụ thi công dự án để có khối lượng và làm các thủ tục quyết toán, không được sử dụng tiền tạm ứng vào các mục đích khác. 

Tin mới lên