Bất động sản

Chủ tịch HFIC: TP. HCM sẽ trình đề án Trung tâm tài chính trong tháng 4

(VNF) - Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính TP. HCM (HFIC), Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế dự kiến sẽ được hoàn chỉnh và trình báo cáo đến cơ quan trung ương trong tháng 4/2022.

Chủ tịch HFIC: TP. HCM sẽ trình đề án Trung tâm tài chính trong tháng 4

TP. HCM dự kiến sẽ trình đề án Trung tâm tài chính trong tháng 4/2022,

Liên quan đến Trung tâm Tài chính quốc tế, tại buổi tọa đàm ‘‘Tạo đột phá để phát triển kinh tế đất nước và TP. HCM’’, do Báo Người lao động tổ chức mới đây, Chủ tịch HFIC Nguyễn Ngọc Hòa cho biết đề án này đã thống nhất quan điểm trung tâm tài chính của Việt Nam sẽ đặt tại TP. HCM. Lãnh đạo thành phố cũng xác định đây là một trong những nhiệm vụ của thành phố đóng góp vào kinh tế đất nước và tiến trình hồi phục chung.

Ông Hòa cũng cho hay đề án nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo TP. HCM. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND làm trưởng ban, các thành viên gồm chuyên gia, nhà nghiên cứu và tổ giúp việc do lãnh đạo HFIC làm tổ trưởng.

Đồng thời, đề án cũng được Chính phủ, các bộ - ngành quan tâm, đôn đốc tiến độ. Thời gian qua, TP. HCM đã đề xuất trung ương thành lập ban chỉ đạo trung ương để giúp thành phố triển khai đề án. Những điều này cho thấy đề án hội tụ tâm huyết khát khao mạnh mẽ cả lãnh đạo trung ương và thành phố.

“Với việc xây dựng đề án này, chúng ta có cách tiếp cận mới từ 2 chiều. Chiều thứ nhất là tiếp cận từ phía người hoạch định chính sách xem để xây dựng được trung tâm tài chính thì cần làm gì? Với cách tiếp cận này, TP đã giao HFIC ký kết với Trường ĐH Fulbright cùng xác định nền tảng, nguyên tắc, cấu thành và sự cần thiết xây dựng trung tâm tài chính quốc tế”, ông Hòa cho hay.

Ở chiều thứ 2 là tiếp cận từ phía cung. Theo đó, tạo ra, đổi mới cơ chế, chính sách và lắng nghe nhà đầu tư muốn gì, kỳ vọng gì? Chúng ta kết hợp cả nhu cầu muốn có gì từ trung tâm này với nguyện vọng của nhà đầu tư để đưa ra đề án tốt nhất.

Chủ tịch HFIC cho rằng trong đề án này TP. HCM xác định rõ mục tiêu trở thành "hub" (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân, toàn cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là có vốn rồi thì xài ra sao, vốn chảy vào lĩnh vực nào chúng ta muốn để kích hoạt phát triển kinh tế. Thành phố đã giao HFIC lấy ý kiến chuyên gia để tổng hợp, trình Chính phủ, báo cáo lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Về tiến độ, ông Hòa cho biết HFIC đã lấy ý kiến chuyên gia xong và hình thành đề cương đề án, chuẩn bị nội dung cho thành phố báo cáo với 6 ý cơ bản. Thứ nhất, nêu được sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của trung tâm này với kinh tế Việt Nam nói chung. Thứ 2, đúc kết kinh nghiệm các trung tâm tài chính quốc tế của thế giới, so sánh chỗ nào tương đồng với điều kiện của Việt Nam về cả kinh tế, thể chế, chính trị.

Thứ 3, theo ông Hòa, đó là xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính này là gì? từ đó đối chiếu với thực trạng hiện nay. Các báo cáo cho rằng TP. HCM đã là trung tâm tài chính của Việt Nam rồi nhưng chưa chính thức, mới chỉ là dòng chảy tự phát, chưa có chính sách hỗ trợ. Việc tiếp theo để xây dựng đề án là cần dự báo những gì trung tâm tài chính quốc tế sẽ phát triển mà chúng ta có thể đi trước đón đầu.

‘‘Thứ 3 là xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính, từ đó đối chiếu với thực trạng hiện nay. Thứ 4 là xác định rõ mô hình đặt tại TP. HCM. Thứ 5 là kiến nghị cơ chế chính sách đột phá và đặc thù, cơ chế thử nghiệm... Thứ 6, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa việc xây dựng trung tâm này. Dự kiến trong tháng 4 tới, đề án sẽ được hoàn chỉnh và trình báo cáo đến cơ quan trung ương…’’ – ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Tại tọa đàm, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cũng đã trình bày về việc xây dựng đề án trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP. HCM và Đà Nẵng.

"Chúng tôi đã làm việc từ năm 2016 đến nay và hiện đã có kế hoạch, lộ trình về việc cần có một trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP. HCM và Đà Nẵng. "Đơn hàng" nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Chủ tịch IPPG cho biết đề án này sau đó được xây dựng theo hướng mở từng bước, và theo Nghị quyết 128, trung tâm tài chính quốc tế sẽ được đặt tại TP. HCM và trung tâm tài chính khu vực đặt tại Đà Nẵng với những bước đi cụ thể, chi tiết… để trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và trình Quốc hội thông qua.

"Đề án của chúng tôi sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ và có tính khả thi rất cao. Nếu được thông qua, theo những gì và phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP. HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế", doanh nhân này tiết lộ.

Đặc biệt, sau khi xong hoàn toàn đề án, doanh nghiệp sẽ bàn giao cho TP. HCM và kết hợp với những đề án mà thành phố đã nghiên cứu, để tiến hành đầu thầu công khai, minh bạch trước khi triển khai.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ khát vọng của Việt Nam gần đây đang hướng đến bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Vì vậy, vốn và thị trường vốn rất cần cho nhu cầu phát triển của Việt Nam và TP. HCM.

Cần vốn, nhưng theo Chủ tịch IPPG, Việt Nam cũng cần chọn lọc, nguồn vốn phải chất lượng cao và gắn với thị trường vốn phát triển; nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực sẽ thu hút các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, đưa nguồn vốn vào thị trường tài chính.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt chạy đua mời gọi, để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội lớn thì chính sách cần có sự đột phá và có nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành. Nếu làm đề án có tính an toàn thì Việt Nam sẽ nguy cơ “tụt hậu”, khó cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương, Chính phủ và Quốc hội.

“Thực tế, trung tâm tài chính đã được các nhà đầu tư Mỹ đề xuất cách đây 6 năm, từ năm 2016, và thời gian là vàng nên nếu chậm thì Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời để đẩy nhanh thành nước phát triển năm 2045”, ông nói.

Tin mới lên