Chủ tịch PGBank: Khẩn trương chuẩn bị cho công tác bàn giao sáp nhập về HDBank
Minh Tâm -
14/06/2018 15:43 (GMT+7)
(VNF) - Về vấn đề sáp nhập về HDBank, Chủ tịch HĐQT PGBank Bùi Ngọc Bảo cho biết 2 ngân hàng đang phối hợp để trình Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận; đồng thời tích cực, khẩn trương chuẩn bị các công việc cho công tác bàn giao sáp nhập.
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.
Theo tài liệu đại hội, PGBank đặt kế hoạch tổng huy động vốn đạt 29.989 tỷ đồng cuối năm 2018, tăng 19% so với năm 2017, trong đó huy động thị trường 1 là 26.176 tỷ đồng, tăng 14%. Trong cơ cấu huy động thị trường 1, huy động từ bán lẻ là 15.711 tỷ đồng, tăng trưởng 17%.
Dư nợ cho vay kế hoạch năm 2018 dự kiến đạt 23.992 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2017. Tổng tài sản dự kiến đạt 34.200 tỷ đồng, tăng 17%.
PGBank dự kiến đạt tổng thu nhập 750 tỷ đồng, giảm 26%. Chi phí dự phòng dự phòng dự kiến giảm xuống chỉ còn 33 tỷ đồng, tương đương mức giảm 93%. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế kế hoạch đạt 183 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 128%.
PGBank dự kiến sẽ không chia cổ tức cho năm 2017.
Về vấn đề sáp nhập về HDBank, Chủ tịch HĐQT PGBank Bùi Ngọc Bảo cho biết 2 ngân hàng đang phối hợp để trình Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận; đồng thời tích cực, khẩn trương chuẩn bị các công việc cho công tác bàn giao sáp nhập.
“Bên cạnh việc bàn giao sáp nhập trong tháng 8/2018, PGBank cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh như bình thường và thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong Phương án sáp nhập”, ông Bảo cho biết.
Trước đó, ngày 21/4, PGBank đã tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua việc sáp nhập PGBank vào HDBank với tỷ lệ 1 cổ phiếu PGBank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank.
Tại đại hội, cổ đông PGBank đã có nhiều thắc mắc gửi đến HĐQT PGBank. Chẳng hạn, cổ đông thắc mắc các dịch vụ và quyền lợi của khách hàng PGBank sau sáp nhập như thế nào? HĐQT và Ban điều hành khi đàm phán đã lường trước các rủi ro về tiến độ thực hiện chưa? Thời gian xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước chỉ khoảng 2 tháng có quá nhanh không?
Có cổ đông còn đề nghị HĐQT, Ban điều hành PGBank đàm phán để bỏ giới hạn về hạn chế chuyển nhượng để đảm bảo tốt cho quyền lợi của cổ đông.
Trả lời các thắc mắc của cổ đông, lãnh đạo PGBank cho biết, toàn bộ quyền lợi của khách hàng hiện tại của PGBank sẽ được thực hiện đầy đủ sau sáp nhập và sẽ được cộng hưởng thêm các dịch vụ hiện có của HDBank.
Trong quá trình đàm phán, xây dựng lộ trình thực hiện, HĐQT, Ban điều hành PGBank cho hay 2 ngân hàng đã lường trước các rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, bộ hồ sơ sáp nhập này được xây dựng trên cơ sở bộ hồ sơ sáp nhập đã được PGBank cùng VietinBank xây dựng trong gần 2 năm, đáp ứng đúng các quy định của Nhà nước và cơ bản cũng đã được các cơ quan chức năng chấp thuận trước đây thì khả năng nếu không có rủi ro về chính sách, bộ hồ sơ sẽ sớm được thông qua.
Về việc hạn chế chuyển nhượng, lãnh đạo PGBank cho hay đối với một định chế tài chính có vốn gần 10.000 tỷ phát hành thêm 30% vốn điều lệ rõ ràng sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường và khó kiểm soát, vì vậy, điều khoản hạn chế chuyển nhượng là chấp nhận được.
Tuy nhiên, lãnh đạo PGBank cho biết thêm, tùy tình hình thị trường, nếu cổ phiếu của Ngân hàng sau sáp nhập cần tính thanh khoản cao hơn, HĐQT Ngân hàng sau sáp nhập sẽ xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi điều khoản hạn chế chuyển nhượng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.