Bất động sản

Chủ tịch VACC: 'Nhà thầu xây dựng có nguy cơ biến mất nếu không có cơ chế bảo vệ'

(VNF) - Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản, tiêu vong...

Chủ tịch VACC: 'Nhà thầu xây dựng có nguy cơ biến mất nếu không có cơ chế bảo vệ'

Chủ tịch GP Invest: 'Nhà thầu xây dựng có nguy cơ biến mất'

Tại hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - thúc đẩy tăng trưởng” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/4, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết đã có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng là rất chặt chẽ.

Ông Hiệp cho hay ngành xây dựng đóng góp 6% vào GDP Việt Nam 2022. Thị trường bất động sản cần xây dựng, không có xây dựng thì không có dự án, không có bộ mặt đô thị…

"Chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Đây là trạng thái bi đát nhất từ trước tới nay", Chủ tịch GP Invest nhấn mạnh. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, quý I/2023 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch 2023. 

Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho biết khoảng 40 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ở miền Trung không có việc làm. Nhóm nhà thầu phía Nam mà Hoà Bình là dẫn đầu đã “kêu cứu” tới Thủ tướng với 21 chữ ký ủng hộ của các nhà thầu. Tại miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công có việc. Trong khi đó, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vấn đề ở đây là thiếu cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu. Doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để thực hiện hoạt động, làm xong dự án mới được thanh toán, lãi vay 11-13%/năm, trường hợp chủ đầu tư khó khăn như gần đây không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các nhà đã xây.

"Nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản, tiêu vong…", Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam bày tỏ.

Ở góc độ chủ đầu tư, ông Hiệp kỳ vọng những điểm nghẽn pháp lý được xử lý, thông suốt. Về nguồn vốn, bằng cách này hay cách khác doanh nghiệp có thể xoay sở, vấn đề pháp lý mới là điều doanh nghiệp quan ngại nhất.

Tin mới lên