Chủ tịch VPBank: 'Nếu IPO, FE Credit sẽ được định giá gần 4 tỷ USD'

Quang Thắng - 01/05/2021 17:39 (GMT+7)

Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết sau khi cân nhắc các phương án với FE Credit, ban lãnh đạo ngân hàng chọn bán vốn nhưng vẫn nắm quyền chi phối tại công ty tài chính này.

VNF
Đại diện VPBank nói định giá thông qua IPO của FE Credit có thể lên tới gần 4 tỷ USD.

Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, trong quá trình quyết định phương án bán vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), ban lãnh đạo ngân hàng đã lên một số kịch bản và phương án.

Một là VPBank sẽ chốt tỷ lệ sở hữu tại công ty tài chính này và phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) với FE Credit và sau đó niêm yết công ty. Hai là, ngân hàng chọn cổ đông chiến lược để bán 49% vốn nắm giữ.

“Nếu chúng tôi bán đứt 100% vốn, vấn đề giá bán sẽ là quan trọng nhất. Còn nếu bán mà vẫn giữ được quyền chi phối, hướng tới mục tiêu dài thì quan trọng nhất là chọn được đối tác", ông Dũng nói.

Chọn bán cho đối tác chiến lược

"Vì vậy, dù phương án IPO có thể giúp ngân hàng bán FE Credit với định giá cao hơn nhưng VPBank vẫn quyết chọn bán cho đối tác chiến lược”, chủ tịch HĐQT VPBank khẳng định.

Thông tin thêm về thương vụ này, chủ tịch ngân hàng cho biết trong quá trình làm việc, một số nhà tư vấn trong và ngoài nước đã đưa ra phương án IPO.

Ông Dũng khẳng định nếu chọn phương án này, định giá của FE Credit có thể lên tới gần 4 tỷ USD, tức cao hơn 40% so với định giá 2,8 tỷ USD đã bán cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBC CF) của Sumitomo Mitsui Nhật Bản.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc phương án thông qua quá trình tiếp xúc với các nhà đầu tư, ban lãnh đạo VPBank đã quyết định đi theo phương án hợp tác với SMBC thông qua SMBC CF.

“SMBC thì đây là một trong 3 tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản với tổng tài sản 2.100 tỷ USD. Công ty đứng ra mua phần vốn góp tại FE Credit cũng là công ty lâu đời nhất và có thị phần lớn nhất về cho vay tiêu dùng tại Nhật Bản”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, SMBC CF hiện cũng sở hữu công ty có thị phần phát hành thẻ tín dụng lớn nhất đất nước này, và đây là một trong những mảng đang được FE Credit đẩy mạnh.

Vì vậy, ông Dũng cho rằng với kinh nghiệm và tiềm lực của dòng vốn giá rẻ từ đối tác Nhật, FE Credit sẽ có điều kiện tốt hơn để gia tăng quy mô và cải thiện lợi nhuận. Hiện đối tác này cũng đã có những cam kết cụ thể sau khi tham gia vào FE Credit.

Con gà đẻ trứng vàng cho VPBank

Chia sẻ liên quan thương vụ này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết việc bán 49% vốn tại FE Credit sẽ không ảnh hưởng tới bảng cân đối tài sản của ngân hàng. Nguyên nhân vì sau khi bán, công ty tài chính tiêu dùng này vẫn là công ty con của VPBank và vẫn hạch toán bảng cân đối kế toán vào ngân hàng mẹ.

Bên cạnh đó, dù giảm tỷ lệ sở hữu tại đây nhưng VPBank vẫn có trách nhiệm xây dựng chiến lược, hỗ trợ cùng với đối tác SMBC CF đưa FE Credit tăng quy mô phát triển.

“Tôi phải nhấn mạnh rằng việc bán FE Credit ko phải là ngân hàng đã bán đi gà đẻ trứng vàng mà VPBank đang tìm cho mình một đối tác chiến lược, qua đó có thể mang lại giá trị lớn hơn thông qua nguồn vốn rẻ và các cơ hội hợp tác”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo vị tổng giám đốc ngân hàng, việc bán 49% vốn tại FE Credit sẽ không khiến miếng bánh của VPBank nhỏ đi vì bị giảm tỷ lệ lợi nhuận chia về, mà sẽ tạo cơ hội để miếng bánh thực tế có thể phát triển lớn hơn so với việc ngân hàng tự vận hành.

“Trong 1-2 năm đầu, lợi nhuận ngân hàng thu được từ FE Credit có thể giảm nhẹ hoặc không tăng. Nhưng về dài hạn, lợi nhuận của FE Credit vẫn phát triển và vẫn tiếp tục là một trong những mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng”, ông Vinh nói.

Chia sẻ về việc sử dụng nguồn vốn thu được từ thương vụ, CEO VPBank cho biết việc bổ sung lượng tiền lớn vào vốn chủ sở hữu sẽ giúp ngân hàng cải thiện hệ số CAR hiện nay là 11,5% lên hơn 20%.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, CAR cao có thể mang tính an toàn nhưng cao quá cũng không hiệu quả. Do vậy, ban điều hành đang lên kế hoạch để mở rộng các mảng kinh doanh sẵn có và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới.

CEO VPBank cho biết trước đây, ngân hàng chưa có nhiều vốn nên chưa mở rộng một số mảng kinh doanh thì đến nay sẽ mở rộng. Bên cạnh đó là tìm kiếm một số cơ hội mới như ngân hàng đầu tư, chứng khoán.

“Với nguồn vốn lớn, chúng ta có cơ sở để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới. Bên cạnh đó, các mảng kinh doanh hiện tại như ngân hàng bán lẻ, bán buôn, ngân hàng số… cũng sẽ là những mảng mang lại tăng trưởng chính cho VPBank thời gian tới”, ông Vinh khẳng định.

Về phần vốn thặng dự sau bán 49% vốn FE Credit, ông Ngô Chí Dũng cho biết đây là một trong những nguồn thu quan trọng để bổ sung vào vốn chủ sở hữu ngân hàng đến cuối năm.

Đến cuối 2020, vốn chủ sở hữu của VPBank là 52.700 tỷ và dự kiến tăng lên trên 90.000 tỷ vào cuối năm nay thông qua một số nguồn thu như gia hạn hợp đồng phân phối bảo hiểm, bán vốn FE Credit, lợi nhuận dự kiến năm 2021 và phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược…

Ông Dũng cho biết nếu đạt các kế hoạch đã đề ra năm nay và nâng vốn chủ sở hữu lên hơn 90.000 tỷ vào cuối năm, HĐQT sẽ đề xuất cổ đông kế hoạch nâng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng vào năm 2022 và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác