“Chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế chạnh lòng”
(VNF) - Chuyên gia cho rằng, nếu Bộ Tài chính nêu lý do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động chưa đến 20% để giữ mức giảm trừ gia cảnh là không ổn. Điều này khiến người nộp thuế rất chạnh lòng.
Bộ Tài chính: Mức giảm trừ gia cảnh chưa thể điều chỉnh
Cử tri TP. HCM vừa đề nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Đồng thời, đây cũng là lần thứ ba trong khoảng một năm trở lại đây, cử tri TP. HCM liên tiếp có văn bản gửi lên Quốc hội kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho thấy vấn đề này được dư luận rất quan tâm.
Tuy nhiên, khi phản hồi đề xuất của cử tri và dư luận, Bộ Tài chính một lần nữa khẳng định mức giảm trừ gia cảnh chưa thể điều chỉnh.
Bộ Tài chính lý giải, theo Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất, mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Cũng theo Bộ Tài chính, thuế thu nhập cá nhân điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế này có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng nhiều nhu cầu chi đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và phụ thuộc là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế thu nhập cá nhân đã có quy định giảm thuế.
Bộ Tài chính nhận định, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng và chi tiêu bình quân đầu người một giai đoạn nhất định.
Bộ Tài chính cũng cho biết đang rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân (trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh...) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Dự kiến dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sẽ được đăng ký chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã lạc hậu
Trước phản hồi từ Bộ Tài chính, Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Bình Dương cho rằng, Việc Bộ Tài chính lấy lý do CPI biến động chưa đến 20% để rồi vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh là không ổn.
Thực tế, với mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là không đủ nuôi một đứa trẻ ở thành phố, bởi riêng tiền ăn, tiền học cũng cao hơn nhiều mức này.
Ông Huân cũng cho biết thêm, mức giảm trừ gia cảnh áp dụng từ năm 2020 chỉ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, mức lương cơ sở, tối thiểu vùng, chỉ số giá tiêu dùng, thu nhập của thời điểm đó.
“Đến nay sau 4 năm, mức lương cơ sở đã tăng qua các năm và từ 1-7 năm nay, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương tối thiểu vùng cũng điều chỉnh tăng. Chưa kể rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá mạnh, thậm chí có hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập của người dân...”, ông Huân nói.
Tương tự, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp nhận định, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần phải căn cứ vào những yếu tố liên quan đến điều kiện sống của người nộp thuế, tình hình thực tế chứ không chỉ dựa vào mức tăng của CPI.
"Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng theo mức lương cơ sở cho phù hợp vì hiện nay người dân, công chức viên chức có con em học hành, chi phí, thậm chí cha mẹ già cần chăm sóc. Do đó, Bộ Tài chính tới đây sửa Luật thuế thu nhập cần có tính toán có mức trừ gia cảnh cho các đối tượng theo mức lương cơ sở sẽ phù hợp hơn", ông Hoà nói.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia cao cấp về thuế, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc chậm nâng mức giảm trừ gia cảnh khiến người nộp thuế có thu nhập từ tiền công tiền lương thiệt thòi.
"Bởi mức giảm trừ lạc hậu so với biến động kinh tế - xã hội, với chính sách tăng lương cơ sở 30% vừa áp dụng ngày 1/7 vừa rồi, cùng với việc chỉ số giá từ năm 2020 đến nay vượt hơn 12%. Nếu cứ lấy chỉ số CPI để cho rằng biến động chưa đến 20% mà vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh là không ổn. Điều này khiến người nộp thuế rất chạnh lòng" - ông Tú nói.
Ông Tú chia sẻ thêm, cách đây 7 năm, tức từ năm 2018, nhiều nội dung của Luật Thuế thu nhập cá nhân như biểu thuế lũy tiến, mức thuế suất… đã được Bộ Tài chính thừa nhận là lạc hậu, lỗi thời.
Tuy nhiên đến nay luật thuế này vẫn chưa sửa mà phải đợi đến tháng 10/2025 mới có thể trình Quốc hội có ý kiến. Nếu tháng 5/2026 thông qua thì tới năm 2027 mới áp dụng là quá bất cập.
Để người nộp thuế cá nhân, nhất là những người làm công ăn lương bớt thiệt thòi, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân vị chuyên gia này kiến nghị, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh và áp dụng ngay từ năm nay.
ĐBQH nói mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu: Bộ Tài chính nói 'làm đúng pháp luật'
- 'Cần tính giảm trừ gia cảnh theo xu hướng phát triển' 08/05/2024 08:00
- Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Những câu chuyện từ chi tiêu thực tế 07/05/2024 08:00
- Giảm trừ gia cảnh liệu đã đủ sống? 06/05/2024 08:00
Toàn cảnh biệt thự trên bán đảo Sơn Trà bị Đà Nẵng thu hồi
(VNF) - Khu biệt thự được bảo phủ một màu xanh của các tán lá cây rừng. Do đó, Khu biệt thự rất khó nhìn thấy ở trên cao.