'Chuyển đổi số không còn là câu chuyện cá lớn nuốt cá bé mà sẽ là cá nhanh nuốt cá chậm'
Ngọc Lưu -
16/12/2020 17:48 (GMT+7)
(VNF) - Nhận định trong xu hướng chuyển đổi số, những tổ chức, doanh nghiệp chậm chân sẽ bị loại bỏ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng nếu như trước đây, quy luật cạnh tranh là cá lớn nuốt cá bé thì nay sẽ là cá nhanh nuốt cá chậm.
Phát biểu tại lễ khai mạc "Ngày Internet Việt Nam" (Internet day 2020), tổ chức hôm 16/12, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet, chúng ta đã đặt những dấu chân số đầu tiên trên không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Internet đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.
Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, số hóa quy trình như trước đây, công nghệ số phát triển cho phép chúng ta đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng. Cuộc dịch chuyển này sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn lên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa.
Để làm được điều đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện một số định hướng lớn, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận Internet, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.
"Trong xu hướng chuyển đổi số, những tổ chức, doanh nghiệp chậm chân sẽ bị loại bỏ. Nếu như trước đây quy luật cạnh tranh là cá lớn nuốt cá bé, thì nay là cá nhanh nuốt cá chậm. Muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa", ông Dũng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất để đẩy nhanh chuyển đổi số, cần mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận Internet, hướng tới phổ cập Internet toàn dân và thực hiện mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia: mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.
Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy; phát triển hệ sinh thái nền tảng số "Make in Vietnam" đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và đi ra thế giới; đồng thời đặt nhiệm vụ làm chủ hạ tầng số, không gian mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu.
Còn theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nước ta được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet một cách thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày.
Ngoài ra, nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2020 tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt gần 17% - mức tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Internet đã trở thành một dịch vụ thiết yếu đối với tất cả mọi người. Người Việt Nam có rất nhiều triển vọng trên môi trường Internet. Với xu hướng Internet đã trở thành hệ sinh thái cho chuyển đổi số.
Theo báo cáo e-Conomy của Google, đại dịch Covid-19 đã trở thành tác nhân thúc đẩy sự tăng vọt số người dùng mới các dịch vụ số tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Số lượng người dùng mới các dịch vụ số của Việt Nam trong năm qua đã tăng trưởng 41%, cao nhất trong khu vực.
Tổng doanh thu của nền kinh tế Internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD, tiếp đó là truyền thông trực tuyến (3,3 tỷ USD), vận tải và thực phẩm (1,6 tỷ USD).
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.