Chuyển dữ liệu người dùng Facebook tại EU sang Mỹ, Meta lĩnh án phạt kỷ lục 1,3 tỷ USD

Minh Đăng - 22/05/2023 19:47 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn Meta vừa nhận mức phạt kỷ lục lên tới 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) vì vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU). Meta cũng bị yêu cầu ngừng chuyển dữ liệu được thu thập từ người dùng Facebook ở châu Âu sang Mỹ.

VNF
Meta lĩnh án phạt kỷ lục 1,3 tỷ USD.

Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC) ngày 22/5 đã quyết định phạt Meta, công ty mẹ của Facebook, số tiền kỷ lục 1,3 tỷ USD. Lý do đến từ công ty này liên tục gửi dữ liệu người dùng Facebook trong EU về máy chủ tại Mỹ.

Theo tuyên bố của DPC, Meta đã không tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu đưa ra năm 2020 rằng dữ liệu được chuyển qua Đại Tây Dương không được bảo mật đầy đủ và có khả năng bị các cơ quan gián điệp của Mỹ theo dõi. 

Các cơ quan châu Âu đang lo ngại các cơ quan tình báo Mỹ có thể truy cập dữ liệu người dùng Facebook tại châu Âu. Theo chính sách của Mỹ, các cơ quan tình báo có thể chặn thông tin liên lạc từ nước ngoài, bao gồm cả thư từ kỹ thuật số.

Ngoài ra, DPC ấn định thời hạn 5 tháng để Meta "tạm dừng mọi hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân sang Mỹ trong tương lai" và 6 tháng để ngăn chặn "việc xử lý bất hợp pháp, bao gồm lưu trữ, ở Mỹ" đối với dữ liệu cá nhân được chuyển giao của EU.

Đây là một trong những hình phạt nặng nhất suốt 5 năm qua, từ khi EU ban hành Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) vào tháng 5/2018. Theo đó, cơ quan quản lý tại 27 quốc gia EU có quyền đưa ra mức phạt lên tới 4% doanh thu hàng năm của công ty có những vi phạm nghiêm trọng nhất.

Các quan chức EU và Mỹ cũng đang đàm phán một hiệp ước chia sẻ dữ liệu sẽ cung cấp các biện pháp bảo vệ pháp lý mới cho Meta để tiếp tục chuyển thông tin về người dùng giữa Mỹ và châu Âu. Meta có thể tránh được hình phạt này nếu hiệp ước này hoàn tất.

Năm ngoái, Meta cảnh báo lệnh cấm chuyển dữ liệu từ châu Âu sang Mỹ có thể buộc tập đoàn này phải đình chỉ các dịch vụ của Facebook tại châu Âu.

Xem thêm >> Nắng nóng ‘thiêu đốt’ châu Á, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu năng lượng từ Nga

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác